Giới thiệu chung về Chương trình 712
Người viết: admin - : Tuesday, Sep 26, 2017 | 21:20 - Lượt xem: 1020
Giới thiệu chung về Chương trình 712
Năng suất là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và sự tồn tại lâu dài của một doanh nghiệp, là cơ sở để nâng cao thu nhập, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt cho người lao động. Đối với quốc gia, năng suất giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế thông qua sử dụng một cách hiệu quả các yếu tố đầu vào là “vốn” và “lao động” để gia tăng kết quả đầu ra. Mục tiêu cuối cùng của năng suất là nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo một xã hội tốt đẹp hơn. Vai trò của năng suất đã thực sự được khẳng định khi nền kinh tế thế giới đi vào khủng hoảng. Các nước phát triển đã định hướng cách thức phục hồi nền kinh tế nhanh nhất là thông qua phát triển công nghệ và cải tiến năng suất. Phong trào thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng được nhiều quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Malaysia hình thành và phát triển từ rất sớm đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia này.
Hoạt động năng suất và chất lượng tại Việt Nam được khởi xướng từ năm 1995 tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã phát động thập niên chất lượng 1996 – 2005 tạo bước khởi đầu quan trọng cho việc quảng bá và thúc đẩy các tổ chức/doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Chặng đường năng suất và chất lượng tại Việt Nam chưa dài nhưng cũng đã tạo được những nền tảng quan trọng về nhận thức của doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng về tầm quan trọng của năng suất và chất lượng đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Phong trào vẫn phát triển chậm chưa đáp ứng được đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đang diễn ra với tốc độ ngày một cao; mức năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn ở mức rất thấp. Vì vậy cần phải có các chương trình thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng được tạo dựng và chỉ đạo thường xuyên, đặc biệt từ tầm vĩ mô với các chiến lược và chương trình hành động cấp quốc gia phù hợp thì mới có thể đạt được những bước đột phá về năng suất, chất lượng và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.
Ngày 21 tháng 5 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” tại Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg với các nội dung chủ yếu sau đây:
Mục tiêu của Chương trình
1. Mục tiêu tổng quát
a) Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
b) Tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hoá chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2010 – 2015
- Xây dựng mới 4.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), bảo đảm đồng bộ các TCVN cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế; 45% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực;
- Quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 100% các nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh, ô nhiễm môi trường;
- Thiết lập mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; phù hợp tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm, hàng hoá chủ lực;
- Xây dựng phong trào năng suất và chất lượng tại 40 tỉnh, thành phố trong cả nước;
- Xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về năng suất và chất lượng; tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực;
- 40.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng;
- 40% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng;
- Góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP)trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên 30% vào năm 2015.
b) Giai đoạn 2016 – 2020
- Xây dựng mới 2.000 TCVN; 60% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực;
- 100% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt trình độ quốc tế;
- 60.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng;
- Xây dựng phong trào năng suất và chất lượng tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước;
- 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng;
- Góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên ít nhất 35% vào năm 2020.
Tổ chức thực hiện Chương trình
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình, điều hành hoạt động của Chương trình và thực hiện các dự án được phân công; tham gia ý kiến với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các dự án thuộc phạm vi Chương trình; hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả và hiệu quả thực hiện Chương trình.
Để tổ chức thực hiện và điều hành các hoạt động của Chương trình, ngày 15/10/2010, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Ban Điều hành Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” tại Quyết định số 2187/QĐ-BKHCN. Ban Điều hành do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trưởng ban, hai Phó Trưởng ban là Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Ngô Quý Việt. Thành viên Ban Điều hành có đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế. Cơ quan thường trực của Ban Điều hành là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.