Những nét chính về hoạt động quản lý đo lường nhân kỷ niệm 70 năm ngày đo lường Việt Nam

Người viết: admin - Ngày viết: Friday, Jan 17, 2020 | 8:23 - Lượt xem: 20650

Ngày 20/01/1950,  Bác Hồ đã ký Sắc Lệnh số 08/SL  Sắc lệnh Đo lường  đánh dấu hệ đo lường là “mét hệ”. Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, cùng với sự phát triển của đất nước; những yêu cầu mới với phương châm hành động của Chính phủ  là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ nói chung và hoạt động quản lý đo lường nói riêng phải tiếp tục thay đổi cách tiếp cận, tư duy, cách làm để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển và phục vụ nhân dân.

Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp, kinh tế của tỉnh Bắc Giang đạt mức tăng trưởng 16,1% và thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng cao nhất cả nước, có được thành tựu này là nhờ vào sự đóng góp của các cấp, các ngành, trong đó có sự góp sức không nhỏ của ngành khoa học và công nghệ trên mọi phương diện. Hoạt động quản lý đo lường cũng góp phần đáng kể vào sự thành công đó, với những nội dung nổi bật như:

– Cập nhật mới cơ sở dữ liệu về đo lường: Tiếp tục bổ sung các văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam trong hệ thống dữ liệu đo lường của ngành. Năm 2019, đã có 19 văn bản kỹ thuật đo lường việt nam được chính thức ban hành, kịp thời bổ sung những quy định quản lý  về đo lường đối với các loại phương tiện đo phải kiểm định (phương tiện đo nhóm 2);

– Tham mưu xây dựng các báo cáo kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường trên địa bàn tỉnh gửi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Báo cáo việc sử dụng và kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo nhóm 2 của một số đơn vị sử dụng nhiều phương tiện đo nhóm 2 (Sở y tế, Sở giao thông vận tải, Công an tỉnh); Công văn đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện một số quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu; Công văn tăng cường quản lý đo lường đối với đồng hồ nước lạnh; Công văn tăng cường quản lý đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 tại các chợ trên địa bàn tỉnh, công văn rà soát các đơn vị  kinh doanh, bán lẻ điện thực hiện quản lý, sử dụng và kiểm định công tơ điện trên địa bàn tỉnh; rà soát tình hình  lắp thiết bị ghi, in kết quả đo của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Thông tư 08/2018/TT-BKHCN ngày 15/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

– Nhằm tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đề án 996, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu các nội dung công việc thực hiện đề án theo quy định; đóng góp các ý kiến quan trọng đối với danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cần tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Khoa học và Công nghệ; về công tác hỗ trợ.

– Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức trong việc thực hiện các quy định pháp luật về đo lường, cụ thể như: tham mưu tổ chức buổi làm việc giữa Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Công ty Điện lực Bắc Giang, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ về việc thực hiện kiểm định đối chứng 2019; Hoàn thành hồ sơ gửi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị chỉ định đơn vị kiểm định đối chứng công tơ điện đối với Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ và đơn vị đã được chỉ định kiểm định đối chứng.

– Với phương châm kiểm tra không  chỉ là đưa ra những sai phạm, hoạt động kiểm tra còn chú trọng vào việc hướng dẫn, tuyên truyền tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về đo lường. Trong năm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham mưu Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh. Kết quả đã thực hiện kiểm tra 25 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu  với 82 cột đo xăng dầu (30 cột xăng Ron 95; 14 cột xăng E5-Ron 92, 38 cột dầu DO 0,05S), 14 chiếc áp kế lò so, 03 đồng hồ xăng dầu và 15 xi téc ô tô. Về cơ bản các doanh nghiệp được kiểm tra đều có ý thức chấp hành quy định về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; các cột đo xăng dầu đều có sai số nằm trong giới hạn cho phép; được kiểm định đình kỳ. Triển khai cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đo lường đối với đồng hồ nước lạnh của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã tổ chức kiểm tra 01 doanh nghiệp sản xuất đồng hồ nước lạnh, 15 doanh nghiệp kinh doanh nước sạch có sử dụng đồng hồ nước lạnh. Các doanh nghiệp cơ bản chấp hành quy định kiểm định hiệu chuẩn, một số phương tiện đo hết hạn kiểm định đã có văn bản nhắc nhở và yêu cầu khắc phục, đến thời hạn theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, cơ bản các doanh nghiệp đã khắc phục các nội dung còn tồn tại.

– Ngoài ra, để nắm bắt thông tin về tình hình thực hiện quy định pháp luật về đo lường tại các chợ trên địa bàn tỉnh; Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức thưc hiện khảo sát việc quản lý, sử dụng phương tiện đo nhóm 2 trong thương mại bán lẻ tại một số điểm chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Kết quả đã thực hiện khảo sát 25 chợ trên địa bàn tỉnh. Kết quả là Đoàn khảo sát đã thực hiện khảo sát tại 275 hộ kinh doanh với 275 chiếc cân trong đó có thực hiện phép đo đối chứng là 274 chiếc đạt yêu cầu; số cân bị hỏng, không thực hiện được phép đo: 01 chiếc. Tuy nhiên việc chấp hành quy định về kiểm định định kỳ của một số cân trong chợ chưa được tiểu thương quan tâm. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tham mưu Sở Khoa học và Công nghệ đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra và phối hợp kiểm tra về đo lường đối với các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn huyện.

– Để tăng cường công tác tuyên truyền sâu và rộng về việc sử dụng phương tiện đo nhóm 2 trong thương mại bán lẻ, năm 2019, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình Bắc Giang thực hiện tuyên truyền việc Tổ chức khảo sát việc quản lý, sử dụng phương tiện đo nhóm 2 trong thương mại bán lẻ tại một số điểm chợ trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh Bắc Giang.

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về đo lường, trong năm 2020, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau:

  • Xây dựng tài liệu hướng dẫn quy định pháp luật về đo lường, bổ sung vào cơ sở dữ liệu đo lường của tỉnh;
  • Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tổ chức kiểm định hiệu chuẩn chấp hành pháp luật về đo lường thông qua các cuộc kiểm tra theo kế hoạch, tổ chức hội nghị, hội thảo về đo lường.
  • Duy trì mạng lưới hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường trên địa bàn tỉnh.
  • Bổ sung trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường, nâng cao năng lực kiểm định của Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về đo lường;

– Tuyên truyền phổ biến nội dung của “Tiêu chí và phương pháp đánh giá kết quả thực hiện chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp” khi Quyết định ban hành có hiệu lực.

– Tiếp tục đào tạo đội ngũ, cán bộ làm công tác đo lường để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới.

Công tác Quản lý đo lường trong những năm qua, đã luôn tạo ra hành lang pháp lý cơ bản thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo sự công bằng trong hoạt động thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Mạc Thị Kim Thoa-TP Quản lý đo lường