Hoàn thiện dữ liệu dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia

Người viết: admin - Ngày viết: Sunday, May 15, 2022 | 17:28 - Lượt xem: 2549

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022. Đây là Đề án liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia, của người dân và doanh nghiệp. Việc triển khai Đề án phải phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia với quy mô lớn, được tiến hành trên phạm vi rộng, có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương và có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả, lâu dài. Quá trình thực hiện cần lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 395/KH-UBND ngày 26/1/2022 về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Các nhiệm vụ của Đề án trong thời gian tới là rất lớn, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2022, để tạo bước khởi đầu vững chắc hoàn thành các mục tiêu của năm đầu của Đề án, đặc biệt là ứng dụng kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư để tạo sự chuyển biến thực chất trong số hóa, giảm phiền hà cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) tại các cấp chính quyền. Đề án đề ra 13 mục tiêu cụ thể thực hiện trong năm 2022; 11 mục tiêu cụ thể thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 và 11 mục tiêu thực hiện trong giai đoạn 2025-2030. Trong đó, xác định điểm nhấn của năm 2022 là cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (tối thiểu 20 dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động…) để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Mục tiêu của Đề án:

Mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích:

  1. Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến
  2. Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội
  3. Phục vụ công dân số
  4. Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư
  5. Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp

Khi Đề án 06 được triển khai, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần.

Mỗi người dân và doanh nghiệp được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử gắn với các hệ sinh thái chữ ký số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử… tạo ra điều kiện cho công dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với các tổ chức tài chính, ngân hàng, hoạt động thanh toán điện tử, giao dịch điện tử kết nối, sử dụng các ứng dụng của Hệ thống định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực đảm bảo đúng với danh tính của từng công dân tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng, chống rửa tiền, giảm gian lận và lừa đảo trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, định danh và xác thực điện tử cũng rất có ý nghĩa với lĩnh vực thuế. Từ đây với mỗi mã số thuế cá nhân sẽ được gắn đúng cho công dân theo số định danh cá nhân, mã số thuế doanh nghiệp sẽ được gắn đúng theo pháp nhân chịu trách nhiệm; qua đó làm giảm tối đa tình trạng trốn thuế, tránh thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Một lĩnh vực nữa sẽ được hưởng lợi từ hệ sinh thái số này đó là bảo hiểm. Căn cứ theo từng số định danh cá nhân của công dân sẽ được cấp mã bảo hiểm xã hội, mã bảo hiểm y tế giúp thông tin minh bạch, xác định được đúng đối tượng được hưởng chính sách.

Để triển khai thực hiện đề án có hiệu quả, rất cần có sự tham gia phối hợp, ủng hộ của cả người dân và các cơ quan được giao nhiệm vụ triển khai.

Nguyễn Thị Hải Vân – Phòng HC&QLĐL