Kết quả triển khai Đề án 996 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2022
Người viết: admin - Ngày viết: Friday, Dec 2, 2022 | 16:52 - Lượt xem: 5916
Thực hiện Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham mưu UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 409/KH-UBND ngày 30/8/2021 về việc triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh; xây dựng và ban hành Kế hoạch số 34/KH-KHCN ngày 16/2/2022 triển khai Kế hoạch số 409/KH-UBND ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh năm 2022.
Để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đo lường, năm 2022, Sở KH&CN đã tổ chức 01 lớp tập huấn việc thực hiện các quy định pháp luật về đo lường cho 200 đại biểu là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với Báo Bắc Giang xây dựng 01 chuyên trang và đăng tải trên môi trường điện tử và báo đọc về thông báo định hướng chương trình đảm bảo đo lường năm 2023. Đăng tải 6 bài viết tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Sở. Các Sở, Ngành trong tỉnh và UBND huyện, thành phố Bắc Giang đã thực hiện kết hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đo lường trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của đo lường trong đời sống xã hội. Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền hoạt động đo lường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Năm 2022, đã sản xuất và phát sóng 15 tin, 05 phóng sự ngắn; xây dựng 07 chuyên đề tuyên truyền đổi mới hoạt động đo lường.
Để triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm , hàng hóa theo Đề án 996 đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới tại Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Sở KH&CN đã chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng Kế hoạch số 04/KH-TĐC ngày 7/3/2022 về việc khảo sát, điều tra việc quản lý và sử dụng phương tiện đo tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Qua thực tế, Sở KH&CN đã thực hiện khảo sát 50 doanh nghiệp thuộc các ngành y tế, điện, nước, xăng dầu, hàng đóng sẵn trên địa bàn tỉnh và lựa chọn 03 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình đảm bảo đo lường (Công ty TNHH Vật tư ngành nước Phú Thịnh, Công ty CP Nước sách Bắc Giang, Công ty CP Xây dựng Thành Đô Bắc Giang). Kết quả đã hỗ trợ các doanh nghiệp kiến thức về quy định của chương trình đảm bảo đo lường theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 21/3/2021, Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018, Kế hoạch số 409/KH-UBND ngày 30/8/2021 cho các doanh nghiệp tham gia chương trình đảm bảo đo lường. Việc triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại 03 doanh nghiệp được thực hiện thông qua phân tích hoạt động đo lường tại các khâu trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch và kiểm định đo lường đồng hồ đo nước lạnh; xác định các định mức kỹ thuật, định mức hao hụt tương ứng tại các khâu trong quá trình sản xuất và phân phối nước sạch; xác định các định mức đo, cài đặt trong quá trình sản xuất, kiểm tra đồng hồ đo nước lạnh; rà soát các văn bản, tài liệu kỹ thuật về hoạt động đo, thử nghiệm, kiểm tra của doanh nghiệp; tư vấn hoàn thiện hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn TCVN ISO 17025 cho bộ phận kiểm định; xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; xây dựng phương pháp kiểm tra phương tiện đo cho cán bộ thực hiện phép đo xăng dầu; đào tạo về đảm bảo đo lường, chất lượng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu cho nhân viên quản lý và kỹ thuật. Chương trình đảm bảo đo lường năm 2022 tại 03 doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả: với 42 lượt cán bộ đã được đào tạo, cập nhật văn bản pháp luật về đo lường; 02 hệ thống quản lý dành cho doanh nghiệp đã được rà soát, cập nhật đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn về hệ thống quản lý TCVN ISO/IEC 17025:2017 và 01 doanh nghiệp được rà soát, cập nhật hệ thống quản lý xăng dầu theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường, năm 2022, Sở KH&CN đã thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường tại 26 cơ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn tỉnh. Kết quả: Qua định lượng 51 lô hàng bằng phương tiện đo đã được kiểm định, hiệu chuẩn của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại các cơ sở, trong đó có 38 lô hàng của 16 đơn vị đạt yêu cầu về đo lường đối với lượng hàng đóng gói sẵn theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn; 13 lô của 8 đơn vị không đạt yêu cầu. Đối với các lô không đạt yêu cầu về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn, Đoàn kiểm tra đã đề nghị tạm dừng lưu thông hàng hóa không phù hợp, thực hiện định lượng lại đảm bảo theo yêu cầu về đo lường. Đồng thời, ban hành 08 Thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp gửi 08 doanh nghiệp. Kết quả các doanh nghiệp đã khắc phục đầy đủ, gửi báo cáo khắc phục, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ban hành 08 thông báo hoạt động đo lường được tiếp tục thực hiện. Sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 409/KH-UBND ngày 30/8/2021 triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, các Sở, Ban, Ngành và các huyện, thành phố đã nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu xây dựng phối hợp với Sở KH&CN triển khai công tác kiểm tra doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Thực hiện Kế hoạch số 34/KH-KHCN ngày 16/2/2022 của Sở KH&CN, Sở đã phối hợp với Viện Đo lường Việt Nam xây dựng kế hoạch tổ chức lớp đào tạo cho cán bộ quản lý về đo lường đối với các phương tiện đo trong y tế tại các Trung tâm y tế huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Kết quả: đã đào tạo được 40 cán bộ quản lý về đo lường đối với các phương tiện đo trong lĩnh vực Y tế. Qua thực tế đào tạo, các học viên đã được trang bị bổ sung thêm các kiến thức Tổng quan về đo lường học và quản lý đo lường trong lĩnh vực y tế; Hiện trạng và sự cần thiết kiểm soát đo lường trang thiết bị y tế và một số mô hình quản lý trang thiết bị y tế …, trong đó nhấn mạnh các quy định bắt buộc phải thực hiện kiểm định đối với phương tiện đo nhóm 2, có biện pháp kiểm soát đối với các phương tiện đo khác; đồng thời hướng dẫn thực hiện các quy định về sử dụng phương tiện đo, thực hiện các phép đo, phương pháp kiểm tra phương tiện đo trong y tế theo quy định.
Để tăng cường phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh, Sở KH&CN đã đầu tư 04 bộ chuẩn đo lường cho Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ, cụ thể: Bộ bình chuẩn kim loại hạng 2 phục vụ kiểm tra xăng dầu, Bộ chuẩn kiểm định phương tiện đo nồng độ các khí, Bộ thiết bị kiểm định Baromet, Bộ thiết bị hiệu chuẩn máy phóng hình. Trong năm 2022, Sở KH&CN phối hợp với UBND các huyện, thành phố lựa chọn các chợ thực hiện kiểm định lưu động cho các tiểu thương kinh doanh trong chợ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người bán hàng, đồng thời bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người tiêu dùng, đảm bảo công bằng xã hội. Với sự thống nhất cao trong chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của UBND các huyện, thành phố trong việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ phù hợp. Sở KH&CN đã lựa chọn Công ty Cổ phần Dịch vụ Kiểm định An toàn Miền Bắc thực hiện triển khai kiểm định lưu động 27 chợ tại các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng, thành phố Bắc Giang với tổng số cân kiểm định là 2.063 chiếc, trong đó có 2.049 chiếc đạt yêu cầu, dán tem, kẹp chì và cấp giấy chứng nhận kiểm định, chiếm 99.3%; 14 chiếc không đạt yêu cầu, không thực hiện kiểm định, chiếm 0,7%. Sau kiểm định 100% cân đồng hồ lò xo của các tiểu thương sử dụng tại các chợ đã được kiểm định đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về đo lường. Việc thực hiện kiểm định lưu động tại các chợ giúp các tiểu thương giảm được chi phí thời gian, kinh phí cho việc di chuyển trực tiếp tới các tổ chức kiểm định để thực hiện kiểm định, đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kiểm định sau kiểm định cân đồng hồ lò xo tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch số 409/KH-UBND ngày 30/8/2021, Sở KH&CN luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ của các cấp, ngành, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án 996.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tập trung chủ yếu thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền, hơn nữa theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN quy định cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý về khoa học và công nghệ “tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn địa phương xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường”, vì vậy số lượng tham gia và triển khai thực hiện hạn chế. Và chưa có văn bản hướng dẫn chính sách hỗ trợ về đo lường, định mức kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động đo lường nhằm nâng cao năng lực đo lường tại địa phương.
Để triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án 996, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Thứ nhất, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cần tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác quản lý đo lường địa phương để nắm bắt và triển khai thực hiện có hiệu quả về nghiệp vụ đo lường theo Đề án trong từng giai đoạn và nghiệp vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng Kế hoạch và Chương trình đảm bảo đo lường theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thứ hai, tham mưu ban hành Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá Chương trình đảm bảo đo lường, để có căn cứ triển khai tại các địa phương.
Thứ ba, các Sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN thực hiện tốt các nội dung tại Kế hoạch số 409/KH-UBND ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về triển khai Đề án 996.
Thứ tư, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về đo lường; chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động với các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra nhà nước về đo lường đối với các phương tiện đo trên địa bàn huyện, thành phố.
Tăng cường chỉ đạo phòng chuyên môn khảo sát, quản lý và theo dõi kết quả thực hiện kiểm định cân; duy trì hoạt động kiểm định lưu động đảm bảo các phương tiện đo sử dụng tại các chợ được kiểm soát về đo lường theo quy định.
Thứ năm, Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định pháp luật về đo lường, lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình đảm bảo đo lường.
Nguyễn Thị Hải Vân – phòng HC&QLĐL