MỘT SỐ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ ĐO LƯỜNG ĐỐI VỚI CÂN THÔNG DỤNG TẠI CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Người viết: admin - Ngày viết: Tuesday, Apr 5, 2022 | 14:41 - Lượt xem: 2862

1. Thông tin chung về cân thông dụng

Khối lượng của một vật là một đại lượng vật lý đặc trưng cho mức độ quán tính của vật đó. Vật có khối lượng lớn hơn có sức ì lớn hơn và cần có lực lớn hơn để làm thay đổi chuyển động của nó. Để xác định giá trị khối lượng người ta dùng “phép cân”.

Ngày nay, sự phát triển của khoa học kỹ thuật làm đa dạng các loại hình xác định khối lượng của một vật như sử dụng cân tự động hoặc cân không tự động trong đó cân không tự động được sử dụng phổ biến.

Cân không tự động là loại cân cần có sự can thiệp của người vận hành trong quá trình cân bao gồm cân đồng hồ lò xo, cân bàn, cân đĩa, cân treo dọc thép lá đề, cân kỹ thuật, cân treo móc cẩu, cân ô tô. Các loại cân này phải thực hiện kiểm định theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Trong các loại cân không tự động, cân thông dụng gồm cân đồng hồ lò xo, cân bàn, cân đĩa được sử dụng phổ biến.

Cân tự động là loại cân không cần có sự can thiệp của người vận hành trong quá trình cân bao gồm cân băng tải, cân tự động kiểm tra phân loại hàng đóng gói sẵn, cân đóng bao, cân tàu hỏa động, cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới. Trong số các loại cân này, chỉ có cân băng tải, cân tàu hỏa động, cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới là đối tượng phải thực hiện kiểm định.

Các cân tự động và không tự động đều được kiểm soát về đo lường thông qua phê duyệt mẫu phương tiện đo, kiểm định hoặc hiệu chuẩn.

Cấp chính xác của phương tiện đo là một đặc trưng tổng quát phản ánh các đặc tính đo lường có liên quan đến độ chính xác của phương tiện đo. Việc phân loại cấp chính xác của phương tiện đo cụ thể được quy định theo Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam. Cân thông dụng thường có cấp chính xác 3 hoặc 4.

2. Thực tiễn hoạt động quản lý đo lường đối với cân thông dụng

 Theo số liệu thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh có hơn 9.000 cân đồng hồ lò xo năm 2020 -2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức kiểm định lưu động tại 10 huyện, thành phố với phương án mỗi huyện, thành phố hỗ trợ kiểm định từ 01 đến 03 chợ.

Ảnh. Kiểm định lưu động cân thông dụng mùa thu hoạch vải thiều.

Việc triển khai thực hiện có sự phối hợp tích cực của cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện (phòng Kinh tế Thành phố Bắc Giang, Phòng Kinh tế Hạ tầng các huyện). Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành các văn bản thực hiện như Kế hoạch triển khai mô hình kiểm định lưu động tại một số chợ thuộc địa bàn các huyện, thành phố; Công văn phối hợp triển khai mô hình kiểm định lưu động. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng Kinh tế Hạ tầng thực hiện lựa chọn các chợ để triển khai Kế hoạch, bố trí nhân lực tham gia phối hợp kiểm định, chỉ đạo tuyên truyền việc kiểm định cân đồng hồ lò xo trên đài phát thanh huyện, thành phố; chỉ đạo các bộ phận chuyên môn chủ động xây dựng phương án triển khai thực hiện Kế hoạch.

Ngoài ra, để hoạt động kiểm định theo đúng yêu cầu, Ban quản lý các chợ đã phối hợp bố trí điểm kiểm định ngay tại trụ sở đảm bảo sự thuận tiện và điều kiện kiểm định mà không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tiểu thương.

Kết quả thực hiện đã đảm bảo yêu cầu đề ra, cụ thể Sở Khoa học và Công nghệ triển khai 6 đợt kiểm định lưu động tại 15 chợ. Tổng số cân đã kiểm định là 1.805 đạt 100% các cân đồng hồ lò xo sử dụng tại các chợ được lưạ chọn kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật về đo lường.

Cùng với hoạt động của kiểm định viên, các công chức chuyên môn còn tập trung vào tuyên truyền quy định về đo lường (giới thiệu thời hạn kiểm định cân, cân thế nào là đạt yêu cầu, khuyến cáo không sử dụng cân đồng hồ không đạt yêu cầu…), hỗ trợ kiểm định viên ghi chép thông số kỹ thuật của cân đồng hồ lò xo, công chức cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện theo dõi, ghi nhận quá trình thực hiện làm cơ sở triển khai cho các chợ còn lại trên địa bàn. Quá trình thực hiện có sự phân công trách nhiệm, phối hợp thực hiện rõ ràng.

Công tác quản lý đo lường đối với phươn tiện đo đạt được những kết quả nhất định như có sự thống nhất trong chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của UBND các huyện, thành phố trong việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ thiết thực, phù hợp và sự đồng tình, ủng hộ của các tiểu thương trong suốt quá trình triển khai; Nhận thức của người dân về vai trò của hoạt động đo lường được nâng cao; Các tiểu thương đã ý thức được trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật về đo lường; 100% cân đồng hồ lò xo của các tiểu thương sử dụng tại các chợ đã được kiểm định đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về đo lường. Việc này có ý nghĩa lớn trong đảm bảo công bằng, văn minh thương mại, đảm bảo uy tín của người bán hàng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc kiểm định diễn ra tại chợ,  mỗi đối tượng kinh doanh có đặc điểm riêng về quy mô, tính chất hoạt động. Nếu không có sự linh hoạt, mềm dẻo trong tổ chức thực hiện có thể khó thực hiện tốt hoạt động kiểm định đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyên nhân của hạn chế trên là do tình hình hoạt động kinh doanh buôn bán đang ở thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người bán hàng dễ có những tâm lý phức tạp đòi hỏi sự linh hoạt trong công tác triển khai thực hiện.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đo lường đối với cân thông dụng

Từ những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, để quản lý đo lường đối với phương tiện đo tốt hơn, cần một số giải pháp:

– Tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về đo lường đối với phương tiện đo trong thương mại bán lẻ.

– Tiếp tục nhân rộng hoạt động kiểm định lưu động tại các chợ trên địa bàn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

– UBND các huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch và chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo tại các chợ, trung tâm thương mại, điểm bán buôn, bán lẻ trên địa bàn huyện. Tăng cường chỉ đạo, quản lý, theo dõi kết quả thực hiện tại các chợ đã triển khai hoạt động kiểm định lưu động để có giải pháp nhân rộng trên địa bàn huyện.

– Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương về: Thực hiện kiểm định đúng kỳ hạn (đối với cân đồng hồ lò xo là 24 tháng/1 lần; các cân thông dụng khác là 12 tháng/lần); tuân thủ đúng chế độ vận hành, bảo quản cân theo hướng dẫn của nhà sản xuất; phát hiện và khắc phục kịp thời những sai, hỏng của cân để tránh những rủi ro ảnh hưởng đến uy tín của hộ và cộng đồng kinh doanh buôn bán tại chợ.

– Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý liên quan trong công tác tuyên truyền phổ biến, vận động, giám sát chấp hành pháp luật về đo lường của các tiểu thương trong chợ.

Với những giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý đến tiểu thương kinh doanh, hoạt động quản lý đo lường đối với phương tiện đo sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa, góp phần bảo đảm văn minh thương mại, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ.

Mạc Thị Kim Thoa – Phòng HC&QLĐL