Bản tin TBT Tháng 5/2022
Người viết: admin - Ngày viết: Wednesday, May 25, 2022 | 7:54 - Lượt xem: 3788
TRONG SỐ NÀY
******
TIN CẢNH BÁO
- Thông báo của Mông Cổ về thực phẩm đóng gói sẵn
- Thông báo của Miến Điện về thực phẩm đóng gói sẵn
- Thông báo của Philippine về thực phẩm đóng gói sẵn
- Thông báo của Philippine về thực phẩm chế biến
- Thông báo của Hội đồng hợp tác các nước Ả rập vùng Vịnh về thịt ướp lạnh và đông lạnh
- Thông báo của Braxin về dầu thực vật
- Thông báo của Ai Cập về thông quan thực phẩm
- Thông báo của Ai Cập về kiểm soát thực phẩm
- Thông báo của Mexico về đồ uống
- Thông báo của Hàn Quốc về ghi nhãn và quảng cáo hóa chất tiêu dùng
- Thông báo của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất về thiết bị điện
- Thông báo của Thái Lan về khẩu trang vệ sinh dùng 1 lần
THÔNG TIN PHÁP LUẬT
- Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
- Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG – HỘI NHẬP
- Các quy định nhập khẩu gạo vào thị trường Bắc Âu
TRAO ĐỔI – THẢO LUẬN
- Hỏi đáp quy định pháp luật về dấu định lượng và lượng thiếu cho phép.
I. TIN CẢNH BÁO
* Lĩnh vực thực phẩm
Thông báo của Mông Cổ về thực phẩm đóng gói sẵn
*******
Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/MNG/15 ngày 22/4/2022, Mông Cổ thông báo ban hành Tiêu chuẩn quốc gia, ký hiệu MNS 6648, Tiêu chuẩn về các yêu cầu ghi nhãn thực phẩm đóng gói sẵn.
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với việc ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn.
Mục đích của tiêu chuẩn: Yêu cầu về an ninh quốc gia; Thông tin cho người tiêu dùng, nhãn mác; Bảo vệ sức khỏe hoặc sự an toàn của con người.
Tiêu chuẩn dự kiến thông qua ngày 30/6/2022.
Thông báo của Miến Điện về thực phẩm đóng gói sẵn
*******
Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/MMR/8 ngày 21/4/2022, Miến Điện thông báo Chỉ thị về Ghi nhãn thực phẩm đóng gói sẵn (lệnh chỉ thị (8/2022); (31 trang, bằng tiếng Miến Điện).
Miến Điện đã công bố Chỉ thị quy định ghi nhãn đối với thực phẩm đóng gói sẵn áp dụng cho tất cả thực phẩm đóng gói sẵn được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu. Chỉ thị sẽ có hiệu lực sau 1 năm kể từ khi công bố và sau đó sẽ có giai đoạn sửa đổi là 3 tháng đối với doanh nghiệp lớn, 6 tháng đối với doanh nghiệp vừa và 9 tháng đối với doanh nghiệp nhỏ.
Cung cấp thông tin liên quan đến chất lượng, an toàn và sức khỏe của thực phẩm bao gói sẵn để người tiêu dùng lựa chọn đúng cách, thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn được quản lý sản xuất, chế biến, đóng gói, bảo quản, phân phối, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, trưng bày, quảng bá trên thị trường tuân thủ các tiêu chuẩn địa phương và quốc tế và hỗ trợ cơ chế truy xuất nguồn gốc; Thông tin cho người tiêu dùng, đảm bảo các yêu cầu nhãn mác; Bảo vệ sức khỏe hoặc sự an toàn của con người; Yêu cầu chất lượng.
Chỉ thị này được thông qua ngày 20/1/2022 và có hiệu lực kể từ ngày 20/1/2023.
Thông báo của Philippine về thực phẩm đóng gói sẵn
*******
Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/PHL/285 ngày 25/4/2022, Philippine thông báo ban hành Hướng dẫn về Chứng nhận tự nguyện các vật phẩm tiếp xúc thực phẩm được sử dụng cho sản phẩm thực phẩm chế biến đóng gói sẵn; (15 trang, bằng tiếng Anh), cụ thể như sau:
- Xây dựng hướng dẫn về việc thực hiện chứng nhận tự nguyện các vật phẩm tiếp xúc với thực phẩm được sử dụng cho các sản phẩm thực phẩm chế biến đóng gói sẵn.
- Cung cấp thông tin về quá trình đăng ký chứng nhận tự nguyện cho các bên liên quan.
Mục đích của quy định: Bảo vệ sức khỏe hoặc sự an toàn của con người.
Hạn góp ý cuối cùng: ngày 24/6/2022.
Thông báo của Philippine về thực phẩm chế biến
*******
Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/PHL/286 ngày 26/4/2022, Philippine thông báo dự thảo Lệnh hành chính của Bộ Y tế về Các quy tắc và quy định sửa đổi cấp phép cơ sở thực phẩm và đăng ký thực phẩm chế biến, và các sản phẩm thực phẩm khác, và vì các Mục đích khác, đồng thời bãi bỏ Lệnh Hành chính số 2014-0029; (43 trang, bằng tiếng Anh).
Lệnh này nhằm mục đích:
- Sửa đổi một số quy định của Lệnh Hành chính số 2014-0029 trong việc cấp phép cho các cơ sở thực phẩm và đăng ký các sản phẩm thực phẩm để áp dụng hệ thống áp dụng mới phù hợp với luật, chương trình, chính sách quốc gia hiện hành và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế đã được thông qua và các thông lệ tốt nhất.
- Tuân thủ các mục tiêu của Quy định số 8792 hoặc “Luật thương mại điện tử năm 2000” và bất kỳ luật liên quan nào khác.
- Để phù hợp với các yêu cầu của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau theo ngành của ASEAN (viết tắt là MRA) đối với Hệ thống kiểm tra và chứng nhận về vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn.
Mục đích của quy định: Bảo vệ sức khỏe hoặc sự an toàn của con người.
Hạn góp ý cuối cùng: ngày 25/6/2022.
Thông báo của Hội đồng hợp tác các nước Ả rập vùng Vịnh về Thịt ướp lạnh và đông lạnh
*******
Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/ARE/530, G/TBT/N/BHR/624, G/TBT/N/KWT/590, G/TBT/N/OMN/459, G/TBT/N/QAT/611, G/TBT/N/SAU/1237, G/TBT/N/YEM/218, ngày 28/4/2022, Hội đồng hợp tác các nước Ả rập vùng Vịnh (gồm: Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Vương quốc Ba ranh, Cô oét, Ô man, Qatar, Vương quốc Ả rập Saudi, Yemen) thông báo cập nhật Quy chuẩn kỹ thuật GCC của UAE về thịt ướp lạnh và đông lạnh (11 trang, bằng tiếng Ả rập).
Quy chuẩn vùng Vịnh này liên quan đến các loại thịt ướp lạnh bao gồm thịt đỏ, thỏ, đà điểu, chim đã được thuần hóa, (nguyên con và miếng) và không bao gồm các sản phẩm thịt được phủ với vụn bánh mì và bột nhào.
Mục đích của quy chuẩn: Thông tin cho người tiêu dùng, đảm bảm yêu cầu về nhãn mác; Phòng chống các hành vi lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng; Bảo vệ sức khỏe hoặc sự an toàn của con người; Yêu cầu chất lượng.
Hạn góp ý cuối cùng: 60 ngày kể từ ngày thông báo.
Thông báo của Braxin về dầu thực vật
*******
Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/BRA/1375, ngày 4/5/2022, Braxin thông báo ban hành Sắc lệnh của Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung cấp Thực phẩm (gọi tắt là MAPA) số 418, ngày 30 tháng 3 năm 2022; (2 trang, bằng tiếng Bồ Đào Nha).
Sắc lệnh MAPA số 418 sửa đổi các Phụ lục I, I * và III của Hướng dẫn quy phạm số 49 ngày 22 tháng 12 năm 2006, phê duyệt quy chuẩn kỹ thuật về nhận dạng và chất lượng của dầu thực vật tinh luyện; việc lấy mẫu; các thủ tục bổ sung; và lộ trình phân loại dầu thực vật tinh chế.
Mục đích của quy định: Xác định các đặc điểm nhận dạng và chất lượng của dầu thực vật tinh luyện.
Sắc lệnh được thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 2/5/2022.
Thông báo của Ai Cập về thông quan thực phẩm
*******
Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/EGY/319, ngày 9/5/2022, Ai cập thông báo ban hành Quyết định số 9/2021 của Giám đốc Cục An toàn thực phẩm quốc gia (NFSA) về việc xử lý lô hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc diện thông quan tạm thời; (13 trang, bằng tiếng Ả Rập).
Quyết định này quy định đối với lô hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc diện tạm thời cho thông quan gồm các nội dung sau:
- Nghĩa vụ và trách nhiệm của đơn vị nhập khẩu và Cơ quan An toàn Thực phẩm Quốc gia.
- Thủ tục thông quan tạm thời.
- Xử lý vi phạm đối với lô hàng thực phẩm nhập khẩu.
- Đình chỉ hoặc hủy bỏ việc cấp phép nhập khẩu thực phẩm.
Giảm thời gian giải phóng lô hàng thực phẩm nhập khẩu theo quy định tạm thời thông quan, nhằm tạo thuận lợi cho thương mại.
Mục đích của quy định: Giảm các rào cản thương mại và tạo thuận lợi cho thương mại.
Quy định này có được thông qua ngày 11/11/2021 và có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2021.
Thông báo của Ai Cập về kiểm soát thực phẩm
*******
Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/EGY/320, ngày 9/5/2022, Ai cập thông báo ban hành Quyết định số 10/2021 của Giám đốc Cục An toàn thực phẩm quốc gia (NFSA) về việc Quy định công nhận Hệ thống kiểm soát do Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu áp dụng trong hoạt động Kiểm soát thực phẩm nhập khẩu; (17 trang, bằng tiếng Ả Rập).
Quyết định này quy định việc tiến hành đánh giá tổng thể hoặc từng phần hệ thống kiểm soát thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu (viết tắt là ECCA) thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của hệ thống trong bối cảnh ký kết các thỏa thuận tương đương hoặc công nhận lẫn nhau. Quyết định này cho phép xác nhận rằng hệ thống kiểm soát thực phẩm (ECCA) là dựa trên cơ sở khoa học và đạt được các mục tiêu an toàn thực phẩm phù hợp với các yêu cầu chất lượng và an toàn thực phẩm của NFSA.
Mục đích của quy định: đảm bảo an toàn và chất lượng của thực phẩm.
Quy định này có được thông qua ngày 11/11/2021 và có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2021.
Thông báo của Mexico về đồ uống
*******
Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/MEX/509, ngày 28/4/2022, Mexico thông báo Dự thảo Tiêu chuẩn Mexico, ký hiệu PROY-NOM-257-SE-2021, về Đồ uống có cồn – rượu Raicilla – Ký hiệu, thông số kỹ thuật, thông tin thương mại và phương pháp thử nghiệm) (20 trang, bằng tiếng Tây Ban Nha)
Dự thảo Tiêu chuẩn quy định về các ký hiệu và thông số kỹ thuật cần đáp ứng của rượu raicilla được sản xuất và đóng gói trong khu vực được bảo hộ xuất xứ, cũng như thông tin thương mại được hiển thị trên nhãn của nó khi bán trên thị trường ở Mexico và nước ngoài.
Mục đích của tiêu chuẩn: Thông tin cho người tiêu dùng, đảm bảo yêu cầu về nhãn mác; Phòng chống các hành vi lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng; Yêu cầu chất lượng.
Hạn góp ý cuối cùng: 60 ngày kể từ ngày thông báo.
* Lĩnh vực khác
Thông báo của Hàn Quốc về ghi nhãn và quảng cáo hóa chất tiêu dùng
*******
Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/KOR/1069, ngày 28/4/2022, Hàn Quốc thông báo dự thảo Quy định của Bộ Môi trường (viết tắt là ME) về Ghi nhãn và Quảng cáo sản phẩm hóa chất tiêu dùng (2 trang, bằng tiếng Hàn).
Theo đó, Thông báo quy định chặt chẽ hơn về nhãn mác và quảng cáo sản phẩm. Các cụm từ bị hạn chế đối với việc Ghi nhãn và Quảng cáo Sản phẩm Hóa chất Tiêu dùng được quy định như sau:
1) Các cụm từ có thể bị hiểu nhầm là không độc hại;
2) Các cụm từ có thể bị hiểu nhầm là không có tác động tiêu cực đến môi trường hoặc thiên nhiên, v.v. ;
3) Các cụm từ có thể dẫn đến việc sử dụng quá nhiều sản phẩm hoặc gây ra việc sử dụng sản phẩm không chính xác bằng cách gây hiểu nhầm rằng không có hại cho sản phẩm;
4) Các cụm từ có thể gây hiểu nhầm là không có tác động tiêu cực đến con người hoặc động vật.
Mục đích của quy định: Phòng chống các hành vi lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng; Bảo vệ sức khỏe hoặc sự an toàn của con người.
Quy định dự kiến thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực tháng 8/2023.
Hạn góp ý cuối cùng: 40 ngày kể từ ngày thông báo.
Thông báo của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất về thiết bị điện
*******
Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/ARE/529, ngày 26/4/2022, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) thông báo Quy chuẩn Kỹ thuật của UAE về ghi nhãn – Nhãn hiệu quả năng lượng cho thiết bị điện. Phần 10: Dụng cụ nấu ăn; (7 trang, bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập).
Quy chuẩn này thiết lập các yêu cầu đối với việc ghi nhãn và cung cấp thông tin bổ sung về sản phẩm đối với lò nướng điện và khí đốt trong nước (kể cả khi kết hợp với bếp nấu) và nó cũng bao gồm các bếp điện và/hoặc khí trong nước.
Quy chuẩn này sẽ không áp dụng đối với:
- Lò sử dụng các nguồn năng lượng không phải là điện hoặc khí đốt;
- Lò có chức năng ‘làm nóng vi sóng’;
- Lò nướng di động; · Lò lưu trữ nhiệt;
- Lò được làm nóng bằng hơi nước như một chức năng sưởi ấm chính;
- Lò được thiết kế chỉ để sử dụng với các loại khí thuộc ‘họ thứ ba’ (propan và butan).
Mục đích của quy chuẩn: Thông tin cho người tiêu dùng, đảm bảm yêu cầu về nhãn mác; Phòng chống các hành vi lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng; Bảo vệ sức khỏe hoặc sự an toàn của con người; Bảo vệ môi trường
Hạn góp ý cuối cùng: 60 ngày kể từ ngày thông báo.
Thông báo của Thái Lan về khẩu trang dùng một lần
*******
Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/THA/664, ngày 21/4/2022, Thái Lan thông báo Dự thảo Quy định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về khẩu trang hợp vệ sinh dùng một lần (TIS 2424–25XX (20XX)); (14 trang, bằng tiếng Thái)
Dự thảo quy định cấp bộ bắt buộc khẩu trang hợp vệ sinh dùng một lần phải phù hợp với tiêu chuẩn về khẩu trang hợp vệ sinh dùng một lần (TIS 2424-25XX (20XX)). Tiêu chuẩn này chỉ đề cập đến khẩu trang hợp vệ sinh sử dụng một lần được sử dụng để lọc hạt nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Tiêu chuẩn không đề cập đến các thiết bị bảo vệ đường hô hấp: lọc không khí dạng hạt (TIS 2199) và thiết bị bảo vệ đường hô hấp: kết hợp hạt và khí và hơi (TIS 2382).
Mục đích của quy định: Bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của con người.
Hạn góp ý cuối cùng: 60 ngày kể từ ngày thông báo.
Ghi chú: Thông tin chi tiết về các thông báo, vui lòng liên hệ với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bắc Giang để được hỗ trợ.
(Lê Thành Kông dịch từ các Thông báo TBT của WTO)
II. THÔNG TIN PHÁP LUẬT
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
*******
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế.
Về các định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chiến lược tập trung vào các nội dung chủ yếu gồm:
– Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tập trung phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững, bao trùm, bảo đảm quốc phòng, an ninh;
– Đổi mới và hoàn thiện quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;
– Phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;
– Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Chiến lược cũng nêu rõ những định hướng cụ thể về phát triển nghiên cứu khoa học, phát triển nghiên cứu công nghệ ứng dụng, hoạt động đổi mới sáng tạo.
Đồng thời Chiến lược cũng đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.
Để tổ chức thực hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược của ngành khoa học và công nghệ; đôn đốc các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện Chiến lược này. Đồng thời tổ chức xây dựng và thực hiện các kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 5 năm, hàng năm phù hợp với Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; các chương trình, đề án khoa học và công nghệ quốc gia, v.v…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
*******
Ngày 10/5/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (viết tắt là DNNVV).
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn một số điều về hỗ trợ công nghệ (không bao gồm khoản 5 Điều 11 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP); tư vấn; phát triển nguồn nhân lực (không bao gồm khoản 4 Điều 14 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP); hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; nội dung quản lý các hoạt động hỗ trợ DNNVV.
Đối tượng áp dụng Thông tư này bao gồm:
– Doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và đáp ứng các quy định tại Chương II Nghị định số 80/2021/NĐ-CP về tiêu chí xác định DNNVV.
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
– Cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV.
– Bên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ DNNVV. Trường hợp bên cung cấp là tổ chức thì phải được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ DNNVV.
Về chế độ ưu tiên, Thông tư quy định rõ các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ, DNNVV là doanh nghiệp xã hội.
Theo Thông tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chuyên môn làm đầu mối tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ DNNVV tại địa phương.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 6 năm 2022. Bãi bỏ Thông tư số 05/2019/TT-BKHĐT ngày 29/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV và Thông tư số 06/2019/TT-BKHĐT ngày 29/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ tư vấn cho DNNVV thông qua mạng lưới tư vấn viên.
(Lê Thành Kông)
III. THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG – HỘI NHẬP
Các qui định nhập khẩu gạo vào thị trường Bắc Âu
*******
Các nước Bắc Âu là các nước không trồng lúa gạo. Do vậy, các nước này phải nhập khẩu hoàn toàn gạo cho tiêu dùng và sản xuất. Trong năm 2020, các nước Bắc Âu nhập khẩu 147.718 tấn gạo, trị giá 186,52 triệu USD, trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 5,8 triệu USD, tương đương với 7.353 tấn, với giá trung bình là 740 USD/tấn. Hiện nay, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu gạo xay xát sang khu vực Bắc Âu. Tuy kim ngạch xuất khẩu chưa phải là nhiều, chỉ chiếm 3,1% thị phần nhập khẩu tại Bắc Âu, nhưng với tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, trung bình 54%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như dần có vị trí vững chắc tại thị trường gạo khu vực Bắc Âu, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bắc Giang giới thiệu một số quy định nhập khẩu gạo vào thị trường Bắc Âu.
Tất cả các loại thực phẩm, bao gồm gạo, được bán tại Liên minh Châu Âu (EU) phải tuân thủ theo Luật Thực phẩm châu Âu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các qui định về chất phụ gia, chất ô nhiễm, giới hạn đối với mức độ tồn dư thuốc trừ sâu và độc tố nấm phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Các yêu cầu phổ biến nhất liên quan đến chất gây ô nhiễm liên quan đến sự hiện diện của độc tố nấm mốc, dư lượng thuốc trừ sâu, vi sinh vật và kim loại nặng. Ngoài ra, nông sản, thực phẩm vào EU phải tuân thủ các qui định liên quan đến bao gói, nhãn mác và nhiều qui định khác.
- Thuế
Hiện nay, thuế ngoài hạn ngạch EU (trong đó có Thụy Điển và Đan Mạch) áp lên gạo Việt Nam là 175 Euro/tấn với gạo xay xát, 65 Euro/tấn với gạo tấm và 211 Euro/tấn với thóc.
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong đó quy định cụ thể điều kiện đối với các loại gạo được hưởng ưu đãi. Cam kết cụ thể như sau:
EU dành riêng cho Việt Nam tổng hạn ngạch 80.000 tấn, với thuế trong hạn ngạch là 0%;
Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với gạo tấm sau 5 năm;
Sản phẩm từ gạo: xóa bỏ thuế trong 3-5 năm.
Tại Na Uy, gạo nằm trong nhóm thuế thấp hoặc không thuế. Các mặt hàng nằm trong nhóm này thường là các mặt hàng Na Uy không sản xuất. Các mặt hàng trong nhóm này thường bị áp hạn ngạch thuế quan.
- Hạn ngạch
EU dành riêng cho Việt Nam tổng hạn ngạch 80.000 tấn, với thuế trong hạn ngạch là 0%.
Các lô hàng gạo đáp ứng quy định hạn ngạch này cần đi kèm giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các loại gạo được nêu trong bảng hạn ngạch của EU.
Về cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với mặt hàng gạo trong Hiệp định EVFTA đầu mối phía EU là đơn vị G.4 (Cây trồng và dầu ô liu) thuộc Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Arable Cops and Olive Oil, DG Agriculture and Rural Development).
Các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ theo quy định thực thi của EU về việc mở và tiếp nhận TRQ nhập khẩu cho gạo có xuất xứ từ Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ cần xin cấp giấy phép nhập khẩu tại cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên và phải nộp số tiền bảo đảm là 30 Euro/tấn tại thời điểm nộp đơn xin cấp giấy phép.
Trong trường hợp số lượng đăng ký vượt quá số lượng có sẵn theo TRQ cho giai đoạn, EU sẽ cố định một hệ số phân bổ.
Việc mở và tiếp nhận TRQ đối với gạo có xuất xứ từ Việt Nam được qui định tại Quy định thực thi (EU) 2020/991 .
Các lô hàng gạo thơm thuộc diện TRQ khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại gạo được hưởng ưu đãi theo TRQ của Hiệp định.
Gạo thơm phải thuộc một trong số các loại sau:
- Hoa nhài 85
- ST 5, ST 20
- Nàng Hoa 9
- VD 20
- RVT
- OM 4900
- OM 5451
- Tài Nguyên Chợ Đào
Gạo nhập khẩu vào EU theo cơ chế TRQ sẽ được phân bổ theo cơ chế “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp hạn ngạch trước” (first-come, first-served), dựa vào ngày mà đơn xin cấp phép nhập khẩu được cơ quan hải quan của EU chấp thuận.
Tại Na Uy, gạo nằm trong nhóm thuế thấp hoặc không thuế. Các mặt hàng nằm trong nhóm này thường là các mặt hàng Na Uy không sản xuất. Các mặt hàng trong nhóm này thường bị áp hạn ngạch thuế quan. Việc cấp hạn ngạch thuế quan thông qua nhiều hình thức. Một số hạn ngạch áp dụng cho tất cả các nước, trong khi một số chỉ dành cho các nước có thoả thuận thương mại song phương hoặc khu vực, một số hạn ngạch ưu đãi thuế dành cho các nước đang phát triển trong chương trình GSP. Hạn ngạch thuế quan cũng có thể được cấp thông qua đấu giá, nộp đơn xin, hoặc theo nguyên tắc ưu tiên những người yêu cầu trước (first come, first served basic).
- Tiêu chuẩn sản phẩm
3.1. An toàn thực phẩm: truy xuất nguồn gốc, vệ sinh và kiểm soát
Yêu cầu quan trọng nhất đối với gạo là đảm bảo an toàn cho tiêu dùng. An toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc cần được ưu tiên hàng đầu. Việc không tuân thủ có thể dẫn đến việc nhập khẩu tạm thời bị ngừng hoặc phải kiểm tra chặt chẽ hơn đối với quốc gia xuất xứ. Là nhà cung cấp, cần đảm bảo làm việc theo các hướng dẫn của Phân tích mối nguy và Điểm kiểm soát tới hạn (HACCP).
Để đảm bảo gạo phù hợp với thị trường châu Âu, cần phải kiểm tra hàm lượng thuốc trừ sâu, chất gây ô nhiễm và vi sinh vật. Ví dụ, ô nhiễm thạch tín đã trở thành mối quan tâm nghiêm trọng ở Liên minh châu Âu (EU), dẫn đến việc đưa ra quy định chặt chẽ hơn vào năm 2016.
Giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu tối đa (MRL) là yêu cầu quan trọng đối với thực phẩm, trong đó có gạo để có thể xuất khẩu gạo vào thị trường châu Âu. Châu Âu là một trong những thị trường nghiêm ngặt nhất về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thông tin về giới hạn dư lượng tối đa (MRL) đối với thuốc trừ sâu có thể được sử dụng trên lúa tại Cơ sở dữ liệu thuốc trừ sâu của EU. Sử dụng thuật ngữ gạo, lúa gạo (mã số 0500060) hoặc loại thuốc trừ sâu làm thuật ngữ tìm kiếm tương ứng cho gạo. Trong vài năm qua, giới hạn dư lượng một số hóa chất đối với gạo đã được giảm xuống, chẳng hạn như Tricyclazole từ 1mg/kg xuống 0,01mg/kg vào năm 2017 và Buprofezin từ 0,5mg/kg xuống 0,01mg/kg vào năm 2019. Ngoài ra, các yêu cầu MRL đối với gạo hữu cơ và gạo được sử dụng trong thực phẩm trẻ em có yêu cầu rất nghiêm ngặt.
Việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc đối với tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Các nhà kinh doanh thực phẩm phải có khả năng truy xuất nguồn gốc gạo thông qua tất cả các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối. Các giải pháp sáng tạo mới có thể giúp giải quyết vấn đề này. Ví dụ, Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại (TPSO) tại Thái Lan đã thông báo rằng họ sẽ sử dụng công nghệ blockchain để đảm bảo truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm nông nghiệp, bắt đầu từ gạo hữu cơ.
3.2. Yêu cầu chất lượng
Gạo, bao gồm cả gạo đặc sản, được chia thành gạo hạt ngắn, trung bình và dài, tùy thuộc vào kích thước hạt và tỷ lệ chiều dài/chiều rộng.
FAO Codex Alimentarius có Tiêu chuẩn về gạo (2019) áp dụng cho gạo lứt, gạo xay xát, và gạo đồ dùng làm thức ăn cho người và mô tả một số yêu cầu chất lượng tối thiểu. Tiêu chuẩn này có thể được sử dụng làm hướng dẫn cho thị trường Châu Âu. Nó quy định rằng, gạo phải an toàn và phù hợp để làm thực phẩm cho con người và không có mùi, vị bất thường, côn trùng sống.
Việc xay xát lúa gạo sau thu hoạch luôn dẫn đến một số hạt bị vỡ; tỷ lệ hạt gãy càng cao thì giá càng giảm do chất lượng bị coi là kém hơn. Tính nguyên vẹn của hạt gạo được xác định theo các thuật ngữ khác nhau như được nêu trong dưới đây. Thông thường đối với gạo có một tỷ lệ nhất định của hạt bị vỡ; ví dụ: “Gạo 5%” cho biết 5% các hạt bị hỏng.
Quy định số 1308/2013 của Ủy ban châu Âu cũng đưa ra tiêu chuẩn cho lúa gạo, cụ thể:
- Có chất lượng tốt, không có mùi;
- Chứa độ ẩm tối đa 13%;
- Có lượng gạo xát nguyên hạt 63% trọng lượng (với tỷ lệ hạt lép 3%), trong đó tỷ lệ phần trăm trọng lượng của gạo xay không có chất lượng được qui định trong bảng
- Bao gói, nhãn mác
Gạo xuất khẩu sang Bắc Âu phải tuân thủ việc ghi nhãn mác nhãn theo tiêu chuẩn châu Âu
Các thông tin sau đây phải có trên nhãn của gạo đóng gói sẵn. Về gạo xuất khẩu với số lượng lớn, một phần của thông tin này có thể được cung cấp trong các tài liệu thương mại:
- Tên sản phẩm chính thức;
- Tình trạng thể chất hoặc xử lý;
- Danh sách các thành phần và chất gây dị ứng;
- Loại, cỡ (mã), số lô, khối lượng tịnh theo đơn vị mét khối;
- Tuyên bố rằng sản phẩm được dành cho người tiêu dùng;
- Thời hạn sử dụng;
- Hướng dẫn hoặc các điều kiện đặc biệt để bảo quản hoặc sử dụng;
- Nơi xuất xứ;
- Tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu được thành lập tại EU;
- Tên và địa chỉ của người xuất khẩu;
- Đánh dấu lô trên thực phẩm đóng gói sẵn (để đảm bảo truy xuất nguồn gốc của từng lô riêng lẻ).
Ngoài ra, nhãn phải bao gồm bất kỳ biểu tượng chứng nhận nào (nếu có) và/hoặc biểu tượng của nhà bán lẻ (trong trường hợp sản phẩm tiếp thị dưới nhãn hiệu riêng).
Nhãn đa ngôn ngữ thường được sử dụng trên bao bì của người tiêu dùng, nhưng ngôn ngữ của các nước nhập khẩu bắt buộc phải có.
Có thể sử dụng bao tải nhựa dệt bằng PP hoặc HDPE, tiết kiệm chi phí và có lớp PE phù hợp giúp bảo vệ tốt ở độ ẩm cao. Việc sử dụng bao tải giấy nhiều lớp phổ biến hơn đối với gạo hữu cơ, đôi khi có lớp lót PE bên trong làm màng chắn ẩm. Bao đay là hình thức đóng gói gạo truyền thống nhất, nhưng càng ngày càng ít được sử dụng.
Đối với gạo đặc sản như gạo thơm hoặc gạo lứt, bao bì LDPE có thể giúp lưu giữ hương thơm và mùi vị. Bao bì này thường được sử dụng để bán lẻ.
Bao bì gạo phải phù hợp để bảo vệ sản phẩm và tuân thủ Quy định (EC) số 1935/2004 về các vật liệu và vật phẩm dự kiến tiếp xúc với thực phẩm.
- Các qui định khác
5.1 Qui tắc xuất xứ đối với gạo và các sản phẩm gạo trong EVFTA
Để được hưởng các ưu đãi thuế quan theo EVFTA gạo phải có xuất xứ thuần túy;
Nguyên liệu là gạo dùng trong sản xuất thực phẩm phải có xuất xứ thuần túy;
Các chế phẩm từ gạo: không tái sản xuất từ các sản phẩm không xuất xứ trong cùng nhóm với sản phẩm đầu ra, và tổng trọng lượng nguyên liệu gạo ≤ 20% trọng lượng sản phẩm.
5.2 Thực phẩm biến đổi gen
Liên minh châu Âu (EU) có chính sách không khoan nhượng đối với các sinh vật biến đổi gen (GMO) chưa được EU chấp thuận. Ngoài gạo vàng, không có giống lúa biến đổi gen nào được biết đến.
Nếu các giống lúa biến đổi gen được áp dụng ở các nước xuất khẩu gạo sang EU, Liên đoàn Các nhà xay xát gạo châu Âu (FERM) cảnh báo rằng chính sách không khoan nhượng của EU sẽ tạo ra những vấn đề đáng kể đối với nguồn cung gạo và phá vỡ ngành công nghiệp gạo châu Âu.
- Yêu cầu bổ sung của người mua hàng
6.1 Sở thích của người mua
Người mua gạo ở châu Âu có thể có những sở thích khác nhau liên quan đến chất lượng và đặc tính cụ thể của gạo.
6.2 Chứng nhận như một sự đảm bảo
Vì an toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực thực phẩm của châu Âu, do vậy, hầu hết người mua sẽ yêu cầu đảm bảo thêm dưới hình thức chứng nhận.
6.3 Chứng nhận hữu cơ
Để tiếp thị các sản phẩm hữu cơ ở Châu Âu, cần sử dụng các phương pháp sản xuất hữu cơ theo quy định của pháp luật châu Âu và xin giấy chứng nhận hữu cơ tại các tổ chức được công nhận.
(Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Bắc Âu)
IV. TRAO ĐỔI – THẢO LUẬN
Câu hỏi: Dấu định lượng là gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 21/2014/TT-BKHCN về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thì:
- Dấu định lượng là ký hiệu được sử dụng để thể hiện lượng của hàng đóng gói sẵn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đo lường (tức là đã được cân, đong, đo đếm đầy đủ).
- Dấu định lượng là chữ V, kiểu chữ in hoa, chữ đứng và đậm, phông chữ “Times New Roman”. Chiều cao chữ lớn hơn hoặc bằng ba milimét (3 mm).
Một số hình ảnh thể hiện dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn:
*******
Câu hỏi: Trong lĩnh vực đo lường thì lượng tối thiểu cho phép (Qmin) là gì?
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Thông tư 21/2014/TT-BKHCN về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thì:
Lượng tối thiểu cho phép (Qmin) là hiệu số giữa lượng danh định (Qn) và lượng thiếu cho phép (T).
Qmin = Qn – T
Trong đó, lượng thiếu cho phép (T) được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 21/2014/TT-BKHCN. Ví dụ:
+ Lượng danh định (Qn) từ trên 200 g đến 300 g (hoặc ml) có lượng thiếu cho phép (T) là 9 g.
+ Lượng danh định (Qn) từ trên Trên 1.000 g đến 10.000 g (hoặc ml) có lượng thiếu cho phép (T) là 1,5% của lượng danh định (Qn).
(Mạc Thị Kim Thoa)