Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhóm hàng hóa mỹ phẩm

Người viết: admin - Ngày viết: Saturday, Dec 5, 2020 | 9:01 - Lượt xem: 327

Cụ thể, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về mỹ phẩm (sản xuất, điều kiện sản xuất, công bố mỹ phẩm, quảng cáo mỹ phẩm…) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn. Tổ chức tiếp nhận các thông tin phản ánh về chất lượng, an toàn mỹ phẩm cũng như các hành vi quảng cáo không trung thực từ các tổ chức, cá nhân; xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo cơ sở kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng mỹ phẩm, sản xuất lưu thông trên địa bàn theo quy định; chú ý đối với các mỹ phẩm không có đầy đủ thông tin về nhãn theo quy định.

Chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo 389 địa phương, Cục Quản lý Thị trường và các ngành chức năng liên quan xây dựng kế hoạch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 8745/VPCP-V.I ngày 20/10/2020 của Văn phòng Chính phủ (thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc giao Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan kiểm tra xác minh thông tin phản ánh về tình trạng buôn bán mỹ phẩm xách tay, mỹ phẩm giả trên thị trường, có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật), đối với hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn.

Trong đó tập trung vào một số nội dung sau: Hoạt động nhập khẩu, kinh doanh mỹ phẩm; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng với địa chỉ đã công bố; nguồn gốc mỹ phẩm nhập khẩu; các tổ chức, cá nhân kinh doanh mỹ phẩm qua mạng internet nhằm kịp thời phát hiện các hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, kiểm nghiệm, quà biếu, quà tặng, trưng bày tại hội chợ, triển lãm… không được phép đưa ra lưu thông trên thị trường.

Thực hiện xử lý, xử phạt hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo các quy định về xử lý, xử phạt hành chính liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh buôn bán và quảng cáo mỹ phẩm tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; quy định về xử phạt hành chính liên quan đến thương mại, buôn bán mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm không được lưu thông trên thị trường… tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; trong đó, các quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm, nhập khẩu, ghi nhãn và quảng cáo mỹ phẩm được quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm; các quy định về xử lý, xử phạt hành chính liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh buôn bán và quảng cáo mỹ phẩm, các quy định về xử phạt hành chính liên quan đến thương mại, buôn bán mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm không được lưu thông trên thị trường tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ nêu trên.

Chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mỹ phẩm chỉ được nhập khẩu, đưa ra lưu hành và kinh doanh, quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định, kinh doanh mỹ phẩm có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ hợp pháp; không kinh doanh buôn bán mỹ phẩm chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, mỹ phẩm trên nhãn không có tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm nhập khẩu theo người, mỹ phẩm là quà biếu, quà tặng… Khi có nghi ngờ, thông báo cho cơ quan chức năng hoặc tra cứu đối chiếu tại Hệ thống cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc Sở Y tế nơi đặt cơ sở sản xuất.

Chỉ đạo các cơ sở sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm, duy trì và triển khai hệ thống chất lượng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn CGMP-ASEAN trong quá trình hoạt động sản xuất theo đúng quy định tại Nghị định số 93/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm và Hiệp định mỹ phẩm ASEAN. Đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện, báo cáo kết quả trước ngày 31/12/2020.

Liên quan tới việc kiểm soát hàng hóa, trong đó có mỹ phẩm trên thị trường, Chính phủ đã ra Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.

Theo đó, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tối đa từ 50 – 70 triệu đồng tùy trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Riêng việc kinh doanh hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thức ăn thủy sản, phân bón, thuốc thú y… sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần các mức tiền phạt quy định đối với hành vi này. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 – 3 tháng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm.

Riêng việc sản xuất hàng giả là mỹ phẩm sẽ có mức phạt cao hơn, tối đa lên 140 – 200 triệu đồng; Nếu buôn bán mỹ phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì sẽ bị phạt tối đa đến 100 triệu đồng… Như vậy, quy định mới đã tăng mức xử phạt hành chính lên gấp 2 lần so với mức phạt trước đây đối với sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả.

Tuy nhiên theo một số chuyên gia, việc kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả đem về lợi nhuận cao, vì thế cần có những biện pháp cứng rắn hơn để có thể ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn trên thị trường. Theo chuyên gia, việc buôn bán mỹ phẩm giả tràn lan không chỉ khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp khó khăn, hơn hết là những hệ lụy mà mỹ phẩm giả có thể gây ra đối với sức khỏe của người tiêu dùng.

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng