Bản tin TBT Tháng 4/2022

Người viết: admin - Ngày viết: Monday, Apr 25, 2022 | 8:40 - Lượt xem: 3636

TRONG SỐ NÀY

******

TIN CẢNH BÁO

  • Thông báo của Argentina về ghi nhãn thực phẩm đóng gói sẵn
  • Thông báo của Braxin về thực phẩm
  • Thông báo của Braxin về thực phẩm đã qua chế biến
  • Thông báo của Braxin về sản phẩm hữu cơ
  • Thông báo của Hội đồng hợp tác các nước Ả rập vùng Vịnh về ghi nhãn thực phẩm đóng gói sẵn
  • Thông báo của Hội đồng hợp tác các nước Ả rập vùng Vịnh về chỉ tiêu vi sinh trong thực phẩm
  • Thông báo của Vương quốc Ả rập Saudi về thực phẩm
  • Thông báo của Malawi về đậu tương
  • Thông báo của Canada về thuốc thú y
  • Thông báo của Malawi về gạch men
  • Thông báo của Rwanda về bao bì PET
  • Thông báo của Rwanda về dệt may
  • Thông báo của Nhật Bản về sản phẩm sinh học

THÔNG TIN PHÁP LUẬT

  • Chính phủ phê duyệt chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030
  • Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính

THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG – HỘI NHẬP

  • Quy định về đăng ký xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

TRAO ĐỔI – THẢO LUẬN

  • Hỏi đáp quy định pháp luật về hàng đóng gói sẵn

 

I. TIN CẢNH BÁO

* Lĩnh vực thực phẩm

Thông báo của Argentina về ghi nhãn thực phẩm đóng gói sẵn

*******

Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/ARG/435, ngày 01/4/2022, Argentina thông báo ban hành Nghị định thực hiện Luật số 27.642 về khuyến khích ăn uống lành mạnh); (36 trang, bằng tiếng Tây Ban Nha)

Tài liệu được thông báo nêu chi tiết các yêu cầu đối với việc ghi nhãn dinh dưỡng đóng gói trước đối với thực phẩm đóng gói với mục đích cung cấp thông tin dinh dưỡng đơn giản và dễ hiểu nhằm khuyến khích việc ra quyết định chủ động, tự tin và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; cảnh báo người tiêu dùng về lượng lớn đường, muối, chất béo bão hòa, tổng chất béo và calo bằng cách cung cấp thông tin rõ ràng, phù hợp và chính xác theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Luật số 24.240 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ngăn ngừa suy dinh dưỡng trong dân số và giảm các trường hợp mắc các bệnh mãn tính không lây nhiễm. Phụ lục II trình bày các tiêu chuẩn đồ họa theo yêu cầu, đó là: các thông báo: nhãn cảnh báo và phòng ngừa; các đặc điểm đồ họa và thông số kỹ thuật của nhãn; ứng dụng của các nhãn: vị trí và tính toán diện tích; sử dụng nhiều hơn một nhãn. Bộ Y tế là cơ quan thực hiện Luật số 27.642.

Mục đích của thông báo: Thông tin cho người tiêu dùng, đảm bảo các yêu cầu ghi nhãn; Ngăn chặn các hành vi lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng.

Thông báo của Braxin về thực phẩm

*******

Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/BRA/1323, ngày 05/4/2022, Braxin thông báo Nghị quyết RDC số 623, ngày 09 tháng 3 năm 2022; (13 trang, bằng tiếng Bồ Đào Nha).

Nghị quyết này bao gồm các điều khoản quy định về giới hạn dung sai đối với tạp chất lạ trong thực phẩm, các nguyên tắc chung để thiết lập và các phương pháp phân tích nhằm mục đích đánh giá sự phù hợp.

Quy định này cũng sẽ được thông báo cho Ủy ban SPS.

Mục đích của thông báo: Bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của con người.

Nghị quyết này dự kiến thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2022.

Thông báo của Braxin về thực phẩm đã qua chế biến

*******

Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/BRA/1325, ngày 05/4/2022, Braxin thông báo Nghị quyết RDC số 617, ngày 09 tháng 3 năm 2022; (6 trang, bằng tiếng Bồ Đào Nha).

Nghị quyết này quy định các điều khoản về nghĩa vụ thực hiện các phân tích trong phòng thí nghiệm và công bố thông tin về các mức độ của phenylalanin, protein và độ ẩm trong thực phẩm đã qua chế biến.

Quy định này cũng sẽ được thông báo cho Ủy ban SPS.

Mục đích của thông báo: Bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của con người.

Nghị quyết này dự kiến thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2022.

Thông báo của Braxin về sản phẩm hữu cơ

*******

Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/BRA/1358, ngày 12/4/2022, Braxin thông báo Nghị quyết RDC số 669, ngày 30 tháng 3 năm 2022; (4 trang, bằng tiếng Bồ Đào Nha).

Nghị quyết này có các điều khoản về các yêu cầu tối thiểu để đảm bảo chất lượng của các sản phẩm hữu cơ nhập khẩu.

Mục đích của thông báo: Bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của con người.

Nghị quyết này dự kiến thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 02/5/2022.

Thông báo của Hội đồng hợp tác các nước Ả rập vùng Vịnh về ghi nhãn thực phẩm đóng gói sẵn

*******

Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/ARE/524, G/TBT/N/BHR/620, G/TBT/N/KWT/587, G/TBT/N/OMN/456, G/TBT/N/QAT/608, G/TBT/N/SAU/1233, G/TBT/N/YEM/215, ngày 17/3/2022, Hội đồng hợp tác các nước Ả rập vùng Vịnh (gồm: Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Vương quốc Ba ranh, Cô oét, Ô man, Qatar, Vương quốc Ả rập Saudi, Yemen) thông báo Tiêu chuẩn GSO về ghi nhãn thực phẩm đóng gói sẵn (19 trang, bằng tiếng Ả Rập).

Tiêu chuẩn GSO này liên quan đến việc ghi nhãn của tất cả các thực phẩm đóng gói sẵn và các yêu cầu liên quan đến việc trình bày chúng.

Mục đich của thông báo: Thông tin cho người tiêu dùng, đảm bảo các yêu cầu ghi nhãn; Bảo vệ sức khỏe hoặc sự an toàn của con người.

Hạn góp ý cuối cùng: 60 ngày kể từ ngày thông báo.

Thông báo của Hội đồng hợp tác các nước Ả rập vùng Vịnh về chỉ tiêu vi sinh trong thực phẩm

*******

Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/ARE/525, G/TBT/N/BHR/622, G/TBT/N/KWT/588, G/TBT/N/OMN/457, G/TBT/N/QAT/609, G/TBT/N/SAU/1235, G/TBT/N/YEM/216, ngày 13/4/2022, Hội đồng hợp tác các nước Ả rập vùng Vịnh (gồm: Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Vương quốc Ba ranh, Cô oét, Ô man, Qatar, Vương quốc Ả rập Saudi, Yemen) thông báo Cập nhật Quy chuẩn kỹ thuật GCC của Các tiểu vương quốc Ả rập (UAE) về “Chỉ tiêu vi sinh đối với thực phẩm”; (26 trang, bằng tiếng Ả Rập).

Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật UAE/GCC này liên quan đến các giới hạn vi sinh đối với thực phẩm dùng cho người và đối với một số nguyên liệu thực phẩm được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm.

Mục đích của thông báo: Bảo vệ sức khỏe hoặc sự an toàn của con người

Hạn góp ý cuối cùng: 60 ngày kể từ ngày thông báo.

Thông báo của Vương quốc Ả rập Saudi về thực phẩm

*******

Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/SAU/1230, ngày 10/3/2022, Vương quốc Ả rập Saudi thông báo dự thảo quy chuẩn kỹ thuật về Thực phẩm không chứa gluten (11 trang, bằng tiếng Ả Rập)

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo quy chuẩn kỹ thuật bao gồm:

  1. Thực phẩm dùng cho các mục đích dinh dưỡng đặc biệt đã được chế biến để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt của những người không dung nạp gluten;
  2. 2. Thực phẩm dành cho tiêu dùng công cộng và về bản chất, phù hợp để sử dụng cho những người không dung nạp gluten.

Mục đích của thông báo: Bảo vệ sức khỏe hoặc sự an toàn của con người.

Hạn góp ý cuối cùng: 60 ngày kể từ ngày thông báo.

Thông báo của Malawi về đậu tương

*******

Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/MWI/65, ngày 17/3/2022, Malawi thông báo dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia DMS 244:2022, Đậu tương – đặc tính kỹ thuật (5 trang, bằng tiếng Anh).

Dự thảo tiêu chuẩn Malawi này quy định các yêu cầu và phương pháp lấy mẫu và thử nghiệm đối với đậu nành nguyên hạt khô (Glycine max (L.) Merr.) dùng cho người.

Mục đích của thông báo: Thông tin cho người tiêu dùng, đảm bảo các yêu cầu ghi nhãn; Phòng chống các hành vi lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng; Bảo vệ sức khỏe hoặc sự an toàn của con người; Yêu cầu chất lượng.

Hạn góp ý cuối cùng: 60 ngày kể từ ngày thông báo.

* Lĩnh vực khác

Thông báo của Canada về thuốc thú y

*******

Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/CAN/667, ngày 10/3/2022, Canada thông báo Đề xuất tham vấn sửa đổi Danh mục A (Danh sách các thành phần dược phẩm có hoạt tính kháng khuẩn nhất định) – Danh sách đề xuất A năm 2022 (2 trang, có sẵn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp).

Bộ Y tế Canada dự định sửa đổi Danh sách A trong đó nêu tên một số thành phần dược phẩm có hoạt tính kháng khuẩn quan trọng trong thuốc dành cho con người. Các thành phần trong Danh sách A phải tuân theo các biện pháp giúp hạn chế sự phát triển của việc đề kháng với các loại kháng sinh quan trọng về mặt y tế này và các biện pháp này là một phần trong cam kết của Bộ Y tế Canada về bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an toàn thực phẩm.

Tại Cục Thuốc thú y của Bộ Y tế Canada (gọi tắt là VDD), thực hiện các thay đổi đối với Danh sách A theo yêu cầu, bao gồm khi:

– Bộ Y tế Canada phê duyệt một loại thuốc kháng sinh mới đáp ứng các tiêu chí phân loại

– có thông tin mới về một loại thuốc kháng sinh có sẵn trên thị trường quốc tế

– có thông tin mới về một loại thuốc kháng sinh đã có trong danh sách

Kể từ khi công bố Danh sách A vào năm 2017, các chất kháng khuẩn mới hơn quan trọng đối với thuốc dành cho con người đã trở nên sẵn có. Bộ Y tế Canada đã tiến hành một cuộc kiểm tra dựa trên tài liệu về các loại thuốc kháng khuẩn theo một bộ tiêu chí đã được thiết lập sẵn trên trang web của Bộ Y tế Canada và xác định các chất kháng khuẩn bổ sung cần được xem xét để đưa vào Danh sách A.

Mục đích của thông báo: Bảo vệ sức khỏe động vật, sức khỏe cộng đồng và an toàn thực phẩm; Khác.

Hạn góp ý cuối cùng: ngày 06/6/2022.

Thông báo của Malawi về gạch men

*******

Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/MWI/56, ngày 17/3/2022, Malawi thông báo dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia DMS 1728: 2021, Gạch men – Định nghĩa, phân loại, đặc điểm và đánh dấu (54 trang, bằng tiếng Anh).

Dự thảo Tiêu chuẩn Malawi này xác định các điều khoản và thiết lập các phân loại, đặc tính và yêu cầu gắn dấu cho gạch men có chất lượng thương mại tốt nhất (chất lượng đầu tiên). Tài liệu này không áp dụng cho gạch được làm bằng quy trình ép đùn hoặc ép khô thông thường. Tiêu chuẩn không áp dụng cho các phụ kiện hoặc đồ trang trí như các cạnh, góc, chân tường, nắp, hạt, bậc, gạch cong và các phụ kiện hoặc đồ khảm khác (tức là bất kỳ phần nào có thể vừa với hình vuông, cạnh của nó là nhỏ hơn 7 cm).

Mục đích của thông báo: đảm bảo yêu cầu về an ninh quốc gia; Thông tin cho người tiêu dùng, đảm bảo yêu cầu ghi nhãn; Yêu cầu chất lượng.

Thông báo của Rwanda về bao bì PET

*******

Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/RWA/629, ngày 10/3/2022, Rwanda thông báo dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia DRS 499-1: 2022, Hộp đựng bằng polyethylene terephthalate (PET) sau tiêu dùng – Đặc điểm kỹ thuật – Phần 1: Vật liệu tái chế, phôi và hộp đựng PET phân cấp thực phẩm (23 trang, bằng tiếng Anh), cụ thể như sau:

1.1 Dự thảo này quy định các yêu cầu, phương pháp lấy mẫu và thử nghiệm đối với vật liệu tái chế polyethylene terephthalate (PET) sau người tiêu dùng (dạng mảnh và viên) để sử dụng trong phôi PET và vật chứa PET dành cho bao bì thực phẩm không bao gồm đồ uống có cồn.

1.2 Tiêu chuẩn cũng quy định các yêu cầu đối với vật liệu bao bì và phôi PET có đặc điểm là an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Mục đích của thông báo: Thông tin cho người tiêu dùng, đảm bảo các yêu cầu ghi nhãn; Phòng chống các hành vi lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng; Bảo vệ sức khỏe hoặc sự an toàn của con người; Bảo vệ môi trường; Yêu cầu chất lượng; Giảm các rào cản thương mại và tạo thuận lợi cho thương mại; Tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất.

Hạn góp ý cuối cùng: 60 ngày kể từ ngày thông báo.

Thông báo của Rwanda về dệt may

*******

Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/RWA/630, ngày 10/3/2022, Rwanda thông báo dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia DRS 500-1: 2022, sản phẩm dệt – hàng may mặc – Đặc điểm kỹ thuật – Phần 1: Yêu cầu chung (19 trang, bằng tiếng Anh).

Dự thảo tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu chung, phương pháp lấy mẫu và thử nghiệm đối với hàng may mặc, cho dù được làm từ vải dệt, vải tráng nhựa, lông thú hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của các vật liệu này. Các yêu cầu đối với hàng may mặc cụ thể được quy định trong các phần liên quan của tiêu chuẩn DRS 500. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho quần áo bảo hộ cá nhân.

LƯU Ý: Khi các quy định được nêu trong các phần cụ thể của Tiêu chuẩn DRS 500 hoặc bất kỳ Tiêu chuẩn Rwanda nào khác có liên quan, các quy định này sẽ thay thế các yêu cầu trong Dự thảo này.

Mục đích của thông báo: Thông tin cho người tiêu dùng, đảm bảo các yêu cầu ghi nhãn; Phòng chống các hành vi lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng; Bảo vệ sức khỏe hoặc sự an toàn của con người; Bảo vệ môi trường; Yêu cầu chất lượng; Giảm các rào cản thương mại và tạo thuận lợi cho thương mại; Tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất.

Hạn góp ý cuối cùng: 60 ngày kể từ ngày thông báo.

Thông báo của Nhật Bản về sản phẩm sinh học

*******

Theo tin cảnh báo số G/TBT/N/JPN/733, ngày 7/4/2022, Nhật Bản thông báo sửa đổi một phần các yêu cầu tối thiểu đối với sản phẩm sinh học.

Các quy định đối với độc tố bạch hầu trong “Vắc xin liên hợp vi khuẩn 13-valent bị hấp phụ bởi vi khuẩn gây bệnh bạch hầu (liên hợp CRM197 đột biến diphtheria)” trong Yêu cầu tối thiểu đối với các sản phẩm sinh học sẽ được sửa đổi một phần.

Mục đích của thông báo: Để thiết lập tiêu chuẩn cho quy trình sản xuất, đặc tính, chất lượng, bảo quản và những thứ khác của dược phẩm mà phải đặc biệt chú ý đến việc đạt được sức khỏe cộng đồng và vệ sinh (Sản phẩm sinh học).

Hạn góp ý cuối cùng: 30 ngày kể từ ngày thông báo.

Ghi chú: Thông tin chi tiết về các thông báo, vui lòng liên hệ với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bắc Giang để được hỗ trợ.

 (Lê Thành Kông dịch từ các Thông báo TBT của WTO)

II. THÔNG TIN PHÁP LUẬT

Chính phủ phê duyệt chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030

*******

Ngày 19/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Về định hướng phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, Chiến lược nêu rõ:

– Đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

– Khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…

– Đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh…, hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài.

– Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu theo hướng giảm tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ thấp, công nghệ trung gian, tăng tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn.

Căn cứ các mục tiêu, định hướng của Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược này, Bộ Công Thương hướng dẫn các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược theo chức năng, thẩm quyền.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính

*******

Ngày 12/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 25/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính.

Nghị định số 25/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm khoản 4 Điều 2 về cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi liên tỉnh.

Nghị định đã sửa đổi bổ sung tên của Chương III là “Kinh doanh và sử dụng dịch vụ bưu chính”. Đồng thời cũng sửa đổi, bổ sung các quy định của Chương III cập nhật phù hợp với thực tiễn triển khai hoạt động bưu chính hiện nay, cụ thể như:

  • Sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính;
  • Sửa đổi, bổ sung Thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép bưu chính; cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính;
  • Sửa đổi, bổ sung giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính;
  • Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép bưu chính;
  • Bổ sung quy định về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính, chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi;
  • Bổ sung quy định về Thông tin về dịch vụ bưu chính, về người gửi, người nhận và liên quan đến bưu gửi;
  • Bổ sung quy định về công khai giá cước dịch vụ bưu chính; Thông báo giá cước dịch vụ bưu chính; Khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính

Nghị định cũng Thay thế, bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính như:

  • Thay thế Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III, Phụ lục IV, Phụ lục V, Phụ lục VII, Phụ lục VIII.
  • Bãi bỏ Điều 3; Điều 5; điểm g khoản 3 Điều 6; điểm c khoản 2 Điều 7; điểm c khoản 2 Điều 12; khoản 2 Điều 13; khoản 5 Điều 15; Phụ lục VI; Phụ lục IX; Phụ lục X.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2022. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Thông tư số 02/2012/TT-BTTTT ngày 15 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính hết hiệu lực.

 (Nguyễn Thị Hải Vân)

 

III. THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG – HỘI NHẬP

Quy định về đăng ký xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

*******

Từ năm 2022, theo quy định tại Lệnh số 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), việc đăng ký Doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu vào Trung Quốc được thực hiện trực tuyến trên website https://cifer.singlewindow.cn, Cục Bảo vệ thực vật (Cục BVTV) hướng dẫn Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có nguồn gốc thực vật thực hiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc cụ thể như sau:

  1. Phạm vi đăng ký xuất khẩu qua Trung Quốc

1.1 Thực phẩm có nguồn gốc thực vật đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc

  • Ngũ cốc dùng làm thực phẩm: đề cập đến các sản phẩm từ hạt, rễ và củ của cây trồng như ngũ cốc và khoai, chủ yếu bao gồm các sản phẩm ăn được từ hạt của các loại loại cây thân thảo sau khi chế biến thô, chẳng hạn như gạo, yến mạch và cao lương;
  • Sản phẩm bột ngũ cốc: dùng để chỉ các sản phẩm dạng bột mịn được làm từ việc nghiền và lọc hạt hoặc rễ, củ các loại cây trồng như trái cây, quả hạch, … thành bột ăn được (trừ các sản phẩm theo phạm vi quản lý của Bộ Công thương – ngũ cốc, khoai như bột mì hoặc bột meslin, bột ngũ cốc, ngô, khoai, sắn, inulin, gluten …);
  • Các loại rau tươi, rau tách nước và đậu khô: các loại rau tươi hoặc các sản phẩm rau khô được chế biến bằng cách giữ tươi, khử nước, sấy khô và các quá trình sấy khô khác và đậu khô;
  • Gia vị nguồn gốc tự nhiên: chỉ các sản phẩm thực vật tự nhiên như quả, hạt, hoa, rễ, thân, lá, vỏ hoặc toàn cây, có thể được sử dụng trực tiếp với các chức năng làm thơm, tạo mùi và gia vị;
  • Quả hạch và các loại hạt: quả hạch dùng để chỉ hạt của cây thân gỗ có vỏ cứng, bao gồm quả óc chó, hạt dẻ, hạt mơ, hạt hạnh nhân, quả hồ đào, hạt dẻ cười, hạt torreya grandis, hạt mắc-ca và hạt thông, … Hạt dùng để chỉ hạt của các loại thực vật như dưa, quả, rau bao gồm cả hạt dưa hấu và hạt bí ngô;
  • Trái cây đông lạnh;
  • Trái cây khô: dùng để chỉ các sản phẩm trái cây tươi được sấy khô bằng quá trình phơi nắng, sấy khô và các quá trình khử nước khác;
  • Hạt cà phê và cacao chưa rang.

1.2 Loại hình Doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc

  • PP – Doanh nghiệp sản xuất/chế biến
  • CS – Doanh nghiệp kho lạnh
  • DS – Doanh nghiệp kho thường

Lưu ý: Doanh nghiệp thương mại hoặc đại lý xuất khẩu thực phẩm không đăng ký theo hướng dẫn này (không theo Lệnh 248). Doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin qua hệ thống quản lý hồ sơ đăng ký và nộp đơn đăng tại website http://ire.customs.gov.cn/. Nếu có vướng mắc, vui lòng liên hệ Văn phòng SPS Việt Nam, địa chỉ: số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; điện thoại: 024.32444150, 024-37344764; email: spsvietnam@mard.gov.vn

  1. Thực hiện đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc trên Hệ thống đăng ký trực tuyến https://cifer.singlewindow.cn của GACC (gọi tắt là CIFER)

Bước 1: Doanh nghiệp đề nghị cấp/xác nhận tài khoản

Cấp tài khoản: đối với các doanh nghiệp chưa có tài khoản trên CIFER

Xác nhận tài khoản: đối với các doanh nghiệp được cấp nhưng chưa xác nhận hoặc tự mở tài khoản trên CIFER

Doanh nghiệp gửi thông tin để cấp/xác nhận tài khoản về Cục BVTV qua email gồm:

  • Đơn đề nghị cấp tài khoản theo Mẫu số 01 của công văn này (dạng file word và
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (dạng file pdf)

Trong trường hợp địa chỉ đăng ký khác với địa chỉ trên giấy đăng ký kinh doanh doanh nghiệp cung cấp thêm các giấy tờ liên quan để làm rõ.

Lưu ý: Doanh nghiệp kiểm tra kỹ thông tin đăng ký. Thông tin cung cấp phải chính xác theo giấy tờ hợp lệ. Khi tài khoản được tạo thành công, không thể sửa đổi thông tin tên người dùng, quốc gia/ khu vực đặt tài khoản và số đăng ký tại quốc gia/ khu vực.

Bước 2: Cục BVTV cấp/xác nhận tài khoản

Cục BVTV thực hiện việc cấp/xác nhận tài khoản cho doanh nghiệp trên CIFER và thông báo cho doanh nghiệp để cập nhật thông tin về tài khoản.

Bước 3: Doanh nghiệp thực hiện đăng ký/ thay đổi thông tin đăng ký trên CIFER

Doanh nghiệp sử dụng tài khoản đã được cấp/xác nhận để đăng ký xuất khẩu trên CIFER các mặt hàng trong phạm vi nêu tại mục 1.1 của hướng dẫn này. Mỗi một dòng hàng (có thể gồm 1 hoặc nhiều mặt hàng) là 1 lần đăng ký.

Doanh nghiệp chuẩn bị Giấy tờ bắt buộc theo yêu cầu của GACC để đính kèm lên CIFER như sau:

  1. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  2. Bản cam kết của doanh nghiệp theo Mẫu số 02 của công văn này;
  3. Sơ đồ/quy trình sản xuất (bao gồm các điểm kiểm soát tới hạn-CCP và các biện pháp kiểm soát mối nguy đang được thực hiện);
  4. Một trong các loại giấy sau cho Cục BVTV để phục vụ việc xác nhận cho doanh nghiệp:
  • Giấy chứng nhận Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP).
  • Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000.
  • Giấy chứng nhận Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS).
  • Giấy chứng nhận Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC).
  • Giấy chứng nhận Hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000).
  • Giấy chứng nhận Thực hành sản xuất tốt (GMP).
  • Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT.
  • Bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT.
  • hoặc loại giấy chứng nhận tương đương.

Trường hợp thay đổi thông tin đăng ký (Điều 19, Lệnh 248), doanh nghiệp phải cung cấp cho GACC:

  1. Bảng đối chiếu thông tin thay đổi;
  2. Các tài liệu chứng minh liên quan đến thông tin thay đổi

Nếu chuyển địa điểm sản xuất, thay đổi người đại diện theo pháp luật hoặc thay đổi số đăng ký do quốc gia cấp thì phải tiến hành đăng ký mới lại và số đã đăng ký tại Trung Quốc sẽ tự động hết hiệu lực.

Các thao tác đăng ký trên CIFER được hướng dẫn cụ thể trong tài liệu hướng dẫn sử dụng “Single Window User Manual” của GACC (kèm theo công văn này).

Các giấy tờ đưa lên CIFER phải soạn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung, nếu là tài liệu gốc thì cần cung cấp bản dịch tiếng Anh/ tiếng Trung và được ký tên, đóng dấu theo quy định.

Bước 4: Cục BVTV gửi thông báo chuẩn bị hồ sơ cho doanh nghiệp

Sau khi nhận được thông tin đăng ký của doanh nghiệp, CIFER tự động thông báo danh mục các điều kiện và điểm chính để xem xét, kiểm tra đối với đăng ký của doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước. Cục BVTV gửi thông báo kèm theo danh mục này cho doanh nghiệp qua email đăng ký trên CIFER để doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu của GACC và thông báo của Cục BVTV.

Bước 5: Nộp hồ sơ chính thức

Doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bản giấy và 01 bộ hồ sơ bản mềm (thành phần hồ sơ nêu tại Bước 3Bước 4) theo yêu cầu của GACC.

  • Bản mềm dạng file pdf gửi Cục BVTV qua email bvtv@mard.gov.vn
  • Bản hồ sơ giấy gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ: Cục Bảo vệ thực vật (Phòng An toàn thực phẩm và Môi trường). Địa chỉ: 149 Hồ Đắc Di, Đống Đa, Hà Nội.

Hồ sơ được tiếp nhận chính thức khi Cục BVTV nhận được hồ sơ gửi qua đường bưu điện.

Bước 6. Xác nhận của Cục BVTV

Cục BVTV đối chiếu hồ sơ của doanh nghiệp với yêu cầu của GACC:

Nếu thông tin khai báo trên CIFER và hồ sơ của của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của GACC, Cục BVTV xác nhận và chuyển hồ sơ của doanh nghiệp sang GACC.

Nếu thông tin khai báo trên CIFER và hồ sơ cần bổ sung, Cục BVTV thông báo cho doanh nghiệp qua email đăng ký trên hệ thống.

Bước 7: Đánh giá của GACC

GACC đánh giá, rà soát hồ sơ nộp qua CIFER, có thể tổ chức đoàn đánh giá và các hình thức khác hoặc kết hợp để cấp mã số đăng ký xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả cuối cùng được GACC thông báo trên CIFER

Doanh nghiệp cập nhật tình trạng xét duyệt hồ sơ và tra cứu kết quả trên CIFER bằng tài khoản doanh nghiệp.

  1. Khuyến nghị

Để đáp ứng được các điều kiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc, doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo nguyên tắc HACCP (mục 3, Điều 5, Lệnh 248).

Danh sách các loại sinh vật gây hại Trung Quốc quan tâm và các hàng hóa có ký kết thỏa thuận, Nghị định thư xuất khẩu, hiệp định với Trung Quốc tại đường link: https://bit.ly/3JzYIqe

Các thông tin mới nhất được cập nhật tại website của Cục BVTV https://www.ppd.gov.vn/an-toan-thuc-pham-va-moi-truong.html.

Trong quá trình thực hiện đăng ký xuất khẩu thực phẩm nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc theo Lệnh 248, nếu có vướng mắc vui lòng liên hệ:

Phòng An toàn thực phẩm và Môi trường (Cục Bảo vệ thực vật). Điện thoại: 024.3533.4036. Email: qlattpmt.bvtv@mard.gov.vn.

Để tìm hiểu yêu cầu về kiểm dịch thực vật của Trung Quốc liên hệ: Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật). Điện thoại: 024.3857.0754. Email: htqt.bvtv@mard.gov.vn.

 (Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật)

 

IV. TRAO ĐỔI – THẢO LUẬN

Câu hỏi: Theo quy định của pháp luật, lượng của hàng đóng gói sẵn cần phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gì?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 21/2014/TT-BKHCN  ngày 15/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn thì lượng của hàng đóng gói sẵn phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật như sau:

  1. Yêu cầu về ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa
  2. a) Lượng của hàng đóng gói sẵn được ghi trên nhãn hàng hóa là lượng danh định;
  3. b) Lượng danh định (Qn) của hàng đóng gói sẵn phải được ghi bằng cách in, gắn hoặc dán trực tiếp trên hàng đóng gói sẵn hoặc trên bao bì hoặc nhãn của hàng đóng gói sẵn;
  4. c) Vị trí ghi lượng danh định phải dễ thấy, dễ đọc trong điều kiện trưng bày thông thường của hoạt động buôn bán;
  5. d) Trường hợp phía trước của lượng danh định (Qn) ghi “khối lượng tịnh:” hoặc “thể tích thực:” thì không được phép ghi “khoảng” hoặc “nhỏ nhất” như: khối lượng tịnh khoảng hoặc thể tích thực nhỏ nhất;

đ) Lượng danh định (Qn) được ghi bằng trị số và đơn vị đo pháp định hoặc theo số đếm; giữa trị số và đơn vị đo phải cách nhau một (01) ô trống;

  1. e) Ghi lượng danh định (Qn) của hàng đóng gói sẵn theo đơn vị đo khối lượng hoặc thể tích được thực hiện như sau:

– Đối với hàng đóng gói sẵn là chất rắn, khí hóa lỏng, hàng đông lạnh, hàng đóng gói sẵn dạng bình phun, xịt (aerosols) hoặc có hàng hóa chứa cùng khí nén: Ghi theo đơn vị đo khối lượng;

– Đối với hàng hóa là chất lỏng: ghi theo đơn vị đo thể tích;

– Đối với hàng hóa ở dạng sệt hoặc hàng hóa khác: ghi theo đơn vị đo khối lượng hoặc thể tích;

  1. g) Ghi đơn vị đo theo từng phạm vi của lượng danh định (Qn) được thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
  2. h) Chiều cao tối thiểu của chữ và số thể hiện lượng danh định (Qn) phải đáp ứng yêu cầu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
  3. i) Khi một (01) đơn vị hàng đóng gói sẵn chứa hai (02) hay nhiều bao, gói hàng đóng gói sẵn cùng loại với cùng lượng danh định có thể dùng để bán lẻ, phải ghi tổng lượng danh định của đơn vị hàng đóng gói sẵn, số lượng bao, gói và lượng danh định của một (01) bao, gói hàng đóng gói sẵn.

Ví dụ: Một (01) hộp cà phê chứa 10 gói, mỗi gói có khối lượng là 20 g, ghi lượng danh định của hộp cà phê như sau:

                                        200 g (10 gói x 20 g)

  1. k) Khi một (01) đơn vị hàng đóng gói sẵn chứa hai (02) hay nhiều bao, gói hàng đóng gói sẵn không cùng loại, phải ghi tên, số lượng bao hoặc gói và lượng danh định của từng loại hàng đóng gói riêng lẻ.

Ví dụ: Một (01) túi xi đánh giày chứa: hai (02) hộp xi đen, mỗi hộp có khối lượng 15 g; một (01) hộp xi nâu có khối lượng 25 g; một (01) hộp xi trắng có khối lượng 15 g, ghi lượng danh định của túi xi đánh giày nêu trên như sau:

Xi đen: 2 hộp x 15 g; xi nâu: 1 hộp x 25 g; xi trắng: 1 hộp x 15 g.

Tổng số: 4 hộp (70 g).

  1. l) Đối với hàng đóng gói sẵn chứa trong dung môi, phải ghi lượng ráo nước và ghi khối lượng tổng trên nhãn hàng hóa.
  2. Yêu cầu về hình dáng, kích thước và các yêu cầu khác của bao hàng đóng gói sẵn
  3. a) Bao hàng đóng gói sẵn không được có hình dáng, kích thước và các cấu trúc khác (như đáy phụ, vách ngăn, nắp phụ, tấm phủ phụ) gây nhầm lẫn hoặc lừa dối người mua về lượng của hàng đóng gói sẵn chứa trong bao hàng;
  4. b) Hàng đóng gói sẵn phải điền đầy thể tích của bao bì trừ trường hợp phải có sự khác biệt giữa thể tích của bao bì với thể tích của hàng đóng gói sẵn chứa trong bao bì đó do một hoặc các nguyên nhân sau đây:

– Để bảo vệ hàng đóng gói sẵn;

– Do yêu cầu vận hành của thiết bị được dùng để bao gói hàng đóng gói sẵn;

– Do yêu cầu của việc vận chuyển hàng đóng gói sẵn;

– Do bản chất của hàng đóng gói sẵn (bao hàng đóng gói sẵn dạng bình xịt, có chứa khí nén…).

  1. c) Trường hợp lượng của hàng đóng gói sẵn được ghi tại nhiều vị trí trên bao hàng thì tại từng vị trí việc ghi lượng của hàng đóng gói sẵn phải đáp ứng yêu cầu tại Khoản 1 Điều này;
  2. d) Thông tin về lượng hàng đóng gói sẵn bổ sung thêm hoặc miễn phí phải được ghi rõ cùng với lượng danh định (Qn) trên nhãn, trừ trường hợp cơ sở sản xuất công bố rõ lượng bổ sung thêm hoặc miễn phí nêu trên đã bao gồm trong lượng danh định (Qn) của hàng đóng gói sẵn.

 (Mạc Thị Kim Thoa)