Đổi mới hoạt động đo lường, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Người viết: admin - Ngày viết: Thursday, Jul 14, 2022 | 10:48 - Lượt xem: 571

          Trong những năm qua, hoạt động đo lường đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là việc bảo đảm sự công bằng, văn minh thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp. Ngày nay, trong xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế thì vai trò của đo lường ngày càng thể hiện tầm quan trọng của nó. Đo lường là cơ sở để xây dựng, áp dụng chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo vệ quyền lợi của Quốc gia, tạo cơ sở cho sự phát triển của doanh nghiệp. Ngày 10 tháng 8 năm 2018, Tủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nhằm thực hiện Đề án này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch 409/KH-UBND ngày 30/8/2021 triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và các văn bản, hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của tỉnh Bắc Giang.

          Kế hoạch 409/KH-UBND đề ra các nhiệm vụ chủ yếu như: Công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế” trên địa bàn tỉnh; đào tạo, tập huấn về hoạt động đo lường cho các doanh nghiệp của tỉnh và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thực hiện Đề án; xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp, tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường. Đồng thời kế hoạch góp phần áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

          Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị kịp thời triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch. Ngày 16/2/2022, Sở Khoa học và Công nghệ ban hành Kế hoạch số 34/KH-KHCN về việc triển khai Kế hoạch số 409/KH-UNND ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh năm 2022. Trong đó tập trung vào việc thực hiện triển khai nội dung: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về hoạt động đo lường góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; tổ chức khảo sát 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về hoạt động đo lường để đánh giá, lựa chọn 3 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình đảm bảo đo lường; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý đo lường; đầu tư trang thiết bị, phương tiện đo, chuẩn đo lường phục vụ công tác quản lý nhà nước về đo lường. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan và doanh nghiệp về công tác quản lý hoạt động đo lường.

          Để Kế hoạch được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước về đo lường sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện đề án. Để thực hiện đề án có hiệu quả cần tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Áp dụng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hoá. Mặt khác, cần có sự quan tâm của các cơ quan liên quan và sự phối hợp tích cực từ các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh có sử dụng phương tiện đo.

Nguyễn Thị Hải Vân – Phòng HC&QLĐL