Tấm gương nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng KHCN
Người viết: admin - Ngày viết: Monday, Mar 23, 2020 | 16:19 - Lượt xem: 930
Những người thân quen hay đồng nghiệp vẫn gọi anh Đinh Hữu Trình (SN 1985), chuyên viên Phòng Quản lý Đo lường, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang là “chuyên gia” thiết bị điều khiển và tự động hóa.
Natan Priscila Moses – người Brazil, hiện là Giám đốc Tổ chức phi chính phủ One Heart Healing đang hoạt động ở Bắc Giang không ngớt lời khen ngợi anh Trình khi gặp tôi. Natan nói: “Đôi bàn tay của anh ấy cứ như có phép màu. Từ nồi cơm, quạt điện hay đồ chơi của trẻ con, thiết bị điều khiển, tự động hóa nào hỏng anh ấy cũng tìm bằng được cách để sửa”.
Ban đầu, tôi nghĩ Natan hơi phóng đại nhưng khi chứng kiến anh Trình thoăn thoắt lắp ráp bảng mạch giúp chiếc quạt điện Panasonic hỏng của gia đình Natan chạy trở lại tôi hoàn toàn bị thuyết phục.
Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Điều khiển tự động hóa, Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội năm 2014, ngoài công việc chuyên môn được giao, anh Trình vẫn tự mày mò, thiết kế và thi công bảng mạch các thiết bị điện. Nhà anh giống như xưởng điện, chỗ này mấy bảng mạch, chỗ kia thì dây dẫn… Anh nói: “Ở cơ quan, tôi làm công việc chuyên môn, về đến nhà là dành thời gian nghiên cứu bảng mạch, thiết bị điều khiển, điện tự động hóa”.
Năm 2018 – 2019, anh là chủ nhiệm hai đề tài nghiên cứu được Hội đồng khoa học Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá là mang tính ứng dụng cao. Đặc biệt là đề tài “Nghiên cứu các dạng tín hiệu mã hóa, chế tạo bộ điều khiển từ xa giải mã hồng ngoại áp dụng cho thiết bị điện dân dụng trong gia đình, thay thế thiết bị hư hỏng không có hàng thay thế. Bảo đảm độ bền ổn định, dễ sử dụng”.
Những đồ dùng có bộ điều khiển từ xa bằng tín hiệu hồng ngoại, tín hiệu RF có trị giá như: Quạt cây, quạt tường, nồi cơm điện… xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan khi thiết bị hỏng hóc lại không có đồ thay thế, hoặc có nhưng giá rất đắt, khó tìm kiếm.
Chính điều đó đã thôi thúc anh Trình thực hiện đề tài này. Anh cùng các đoàn viên trong đơn vị đã khảo sát 300 hộ gia đình, cơ sở sửa chữa thiết bị điều khiển từ xa và dành thời gian nghiên cứu các dạng mã hóa tín hiệu điều khiển từ xa, từ đó xây dựng thuật toán giải mã bằng vi điều khiển để chế tạo mạch thay thế cho các mạch bị hỏng. Từ việc nghiên cứu trên, anh Trình mở rộng để chế tạo các thiết bị điều khiển từ xa.
Hơn 5 tháng, anh cùng cộng sự đã hoàn thành đề tài nghiên cứu, kết quả chế tạo ra 100 mạch điều khiển từ xa sử dụng sóng hồng ngoại. Sản phẩm có mức giá từ 150 đến 400 nghìn đồng (tùy loại). Thiết bị điều khiển từ xa sử dụng sóng hồng ngoại này đã được áp dụng tại nhiều gia đình ở TP Bắc Giang và huyện Tân Yên.
Hiện anh Trình đang tập trung phát triển các sản phẩm tiết kiệm điện năng sử dụng hồng ngoại như: Khóa chống trộm sử dụng thẻ từ RFID, động cơ BLDC (động cơ không chổi than một chiều). Ngoài ra, anh chế tạo mạch điều khiển, cải tiến tính liên hoàn bằng việc tận dụng một số động cơ ở máy photo cũ hay pin năng lượng mặt trời, biến tích điện tiêu hao ít năng lượng.
Theo báo điện tử Bắc Giang – baobacgiang.com.vn