Kết quả nổi bật trong hoạt động quản lý đo lường năm 2021

Người viết: admin - Ngày viết: Friday, Jan 14, 2022 | 13:51 - Lượt xem: 1158

Năm 2021 là năm cả nước đối mặt với sự bùng phát của đại dịch covid 19, song các cấp, các ngành và nhân dân tỉnh Bắc Giang đã cố gắng, nỗ lực để thực hiện thành công mục tiêu vừa phát triển kinh tế – xã hội vừa phòng chống dịch. Trong những kết quả đạt được đó, hoạt động quản lý đo lường của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đạt được một số kết quả nổi bật.

  1. Công tác chỉ đạo, tạo hành lang pháp lý

Xác định công tác quản lý đo lường chỉ có thể thực hiện tốt khi có sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo. Trong năm 2021, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tham mưu Sở Khoa học và Công nghệ ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động chuyên môn như các văn bản phối hợp thực hiện chỉ thị của Chủ tịch UBDN tỉnh; kế hoạch triển khai mô hình kiểm định lưu động tại các chợ trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp thực hiện khảo sát phương tiện đo tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; …

Ngày 30/8/2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 409/KH-UBND về việc triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Kế hoạch đưa ra 5 mục tiêu, 6 nhiệm vụ, giải pháp để triển khai Đề án trong đó trọng tâm là việc hỗ trợ xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc tham mưu ban hành Kế hoạch để triển khai có hiệu quả trong các năm tiếp theo là một bước tiến mới trong hoạt động đo lường tỉnh Bắc Giang.

  1. Công tác kiểm tra về đo lường có trọng tâm, trọng điểm

Năm 2021, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đo lường đối với các cơ sở sử dụng phương tiện đo trong lĩnh vực y tế; kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã thực hiện kiểm tra 16/16 đơn vị sử dụng phương tiện đo trong lĩnh vực y tế đạt 100% theo Quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh trong đó có 06 bệnh viện tuyến tỉnh, 08 trung tâm y tế, 02 doanh nghiệp kinh doanh khám chữa bệnh. Tổng số phương tiện đo đã kiểm tra theo báo cáo là 1.314 phương tiện đo trong đó 1.229 phương tiện đo nhóm 2 và 85 phương tiện đo nhóm 1 đang sử dụng trong việc chuẩn đoán và khám chữa bệnh; Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với 17/17 (đạt 100%) doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong đó có 15 doanh nghiệp đang hoạt động, 02 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp được kiểm tra tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế và thành phố Bắc Giang. Trong đó có 01 thương nhân phân phối và 21 cửa hàng bán lẻ. Tổng số phương tiện đo tại 15/17 doanh nghiệp là 52 phương tiện đo, bao gồm 23 cột xăng RON 95; 24 cột dầu DO 0,05S; 05 cột xăng E5- RON 92.

Việc kiểm tra về đo lường đã chỉ ra các nội dung chưa phù hợp trong công tác quản lý, sử dụng phương tiện đo của tổ chức, doanh nghiệp mà còn hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định pháp luật về đo lường.

 

Ảnh: Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đo lường.

  1. Công tác phối hợp quản lý nhà nước về đo lường được tăng cường

Hiện nay, hoạt động quản lý nhà nước về đo lường cấp huyện được giao cho phòng kinh tế hạ tầng các huyện, phòng kinh tế thành phố thực hiện. Để tăng cường công tác phối hợp, trong năm Chi cục Tiêu cục Tiêu chuẩn Đo lưòng Chất lượng đã tổ chức kiểm định lưu động tại 13 chợ của các huyện Hiệp Hoà, Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng, Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động và thành phố Bắc Giang. Tổng số phương tiện đo nhóm 2 (cân thông dụng) đã kiểm định là 1.549 chiếc trong đó có 35 chiếc còn hạn kiểm định, đạt yêu cầu kỹ thuật về đo lường, chiếm 2,2%; 1.508 chiếc đã hết hạn kiểm định ghi trên tem hoặc không còn tem kiểm định chiếm 97,3%; 6 chiếc không đạt yêu cầu kiểm định phải thay mới chiếm 0,5%. Sau khi kiểm định, 100% các cân thông dụng sử dụng tại các chợ đạt yêu cầu kỹ thuật về đo lường. Ngoài ra, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ xây dựng các phóng sự phát sóng tuyên truyền, đăng tải các bài viết tuyên truyền về kiểm định lưu động trên cổng thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Phối hợp với UBND các huyện tuyên truyền trên đài phát thanh của huyện, thành phố. Công tác kiểm định lưu động đã góp phần bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng; nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động đo lường.

Công tác đào tạo nghiệp vụ kiểm tra nhà nước về đo lường cho cấp huyện được quan tâm. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức 01 lớp đào tạo cho 10 học viên là cán bộ quản lý khoa học và công nghệ của UBND các huyện, thành phố. Kết quả các học viên đã hoàn thành và được cấp chứng chỉ. Hoạt động này góp phần nâng cao năng lực quản lý, tạo cơ sở vững chắc cho các huyện tiến hành các cuộc kiểm tra nhà nước về đo lường ở địa phương.

  1. Công tác nghiên cứu khoa học trong quản lý nhà nước về đo lường

Việc triển khai Đề tài khoa học và công nghệ cơ sở “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc quản lý và sử dụng phương tiện đo tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” đã giúp Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đánh giá tổng quan tình hình quản lý, sử dụng phương tiện đo tại các doanh nghiệp khu công nghiệp, phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý của doanh nghiệp, cơ quan quản lý đồng thời đưa ra các giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường. Kết quả việc triển khai đề tài cho thấy tổng số phương tiện đo tham gia điều tra khảo sát là 4.872 phương tiện đo trong đó có 1.318 phương tiện đo nhóm 2. Đây là số phương tiện đo doanh nghiệp cần rà soát hàng năm để xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đo lường.

Việc triển khai đề tài nghiên cứu khoa học là sự khởi đầu cho những ý tưởng mới, tiếp nối các thành công trong công tác quản lý, hỗ trợ hoạt động đo lường ở địa phương đổi mới.

  1. Giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đo lường

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả, công tác quản lý đo lường cần chú trọng tập trung vào những nội dung:

  • Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về đo lường bằng nhiều hình thức, tạo sức lan tỏa, tác động hiệu quả đến nhận thức chung của xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
  • Duy trì hoạt động thanh tra, kiểm tra về đo lường theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các mặt hàng thuộc ngành khoa học và công nghệ quản lý và có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế – xã hội như xăng dầu, hàng đóng gói sẵn,….
  • Tăng cường phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về đo lường trên địa bàn tỉnh.
  • Triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 409/KH-UBND ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Với những cố gắng, quyết tâm của đội ngũ cán bộ làm công tác đo lường, hoạt động quản lý đo lường sẽ gặt hái nhiều thành công, góp phần chào mừng kỷ niệm 72 năm ngày Đo lường Việt Nam và 60 năm ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam.

Mạc Thị Kim Thoa – phòng HC&QLĐL