Kết quả kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn năm 2022
Người viết: admin - Ngày viết: Thursday, Jun 23, 2022 | 9:35 - Lượt xem: 2001
Hàng đóng gói sẵn là hàng hóa được định lượng theo đơn vị đo khối lượng, thể tích, diện tích, chiều dài hoặc số đếm, được đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hóa mà không có sự chứng kiến của bên mua. Việc đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với hàng đóng gói sẵn là hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước.
Thực hiện Quyết định số 2625/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2022; Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo kế hoạch đối với 24 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn tỉnh. Các lĩnh vực được kiểm tra gồm thức ăn chăn nuôi (04 cơ sở), các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng của địa phương: 17 cơ sở, Siêu thị : 02 cơ sở, sang chiết khí dầu mỏ hoá lỏng (01 cơ sở). Các sản phẩm được kiểm tra gồm thức ăn chăn nuôi, mỳ gạo, gạo, trà hoa vàng, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, nấm đông trùng hạ thảo, bánh quế, bánh nông sản, chè, cà gai leo, kẹo lạc vừng, giò gà, trà xạ đen, sản phẩm khí dầu mỏ hoá lỏng …).
1. Một số kết quả kiểm tra
Về hồ sơ pháp lý: Về cơ bản, các cơ sở được kiểm tra đã cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp và có hiệu lực.
Về định lượng hàng đóng gói sẵn:
Đoàn kiểm tra đã tiến hành định lượng các lô hàng đang sản xuất, đóng bao, kinh doanh để đánh giá sự phù hợp của lượng hàng thực tế so với lượng công bố trên bao bì và nhãn hàng hóa. Qua định lượng 51 lô hàng bằng phương tiện đo đã được kiểm định hiệu chuẩn của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại các cơ sở: có 38 lô hàng của 16 cơ sở đạt yêu cầu về đo lường đối với lượng hàng đóng gói sẵn; có 13 lô của 8 cơ sở không đạt yêu cầu. Đối với các lô không đạt yêu cầu về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn, Đoàn kiểm tra đã đề nghị đơn vị tạm dừng lưu thông hàng hóa không phù hợp, thực hiện định lượng lại đảm bảo theo yêu cầu về đo lường. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ban hành 8 Thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp gửi 8 đơn vị. Kết quả các đơn vị đã khắc phục đầy đủ, gửi báo cáo khắc phục; Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ban hành 8 thông báo hoạt động đo lường được tiếp tục thực hiện.
Về sử dụng phương tiện đo
Các cơ sở có đầy đủ phương tiện định lượng hàng đóng gói sẵn. Các phương tiện đo đã được kiểm định/hiệu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, việc lưu trữ hồ sơ kiểm định một số đơn vị còn chưa tốt, chưa xuất trình được giấy chứng nhận kiểm định của một số phương tiện đo đang sử dụng.
Về mã số mã vạch: cơ bản các cơ sở được kiểm tra có đăng ký sử dụng mã số mã vạch, được cấp giấy chứng nhận và duy trì tốt việc sử dụng mã số mã vạch. Tuy nhiên, một số cơ sở chưa duy trì đóng phí sử dụng mã số mã vạch theo quy định.
Với những nội dung chưa phù hợp trên, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở vi phạm khắc phục. Bổ sung căn cứ pháp lý liên quan, Thực hiện việc nộp phí duy trì, gia hạn mã số mã vạch theo quy định.
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ việc cơ sở sản xuất kinh doanh hàng đóng gói sẵn chưa tìm hiểu đầy đủ các văn bản quy định về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Việc kiểm soát quá trình định lượng sản phẩm còn chưa chặt chẽ, sản phẩm được định lượng chưa đều, đặc biệt là các sản phẩm còn đóng gói thủ công.
2. Một số giải pháp trong thời gian tới
Để công tác quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn đi vào nề nếp, một số giải pháp cần thực hiện:
Thứ nhất, các cấp các ngành cần quan tâm hơn nữa đến tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với hàng đóng gói sẵn. Đề xuất hàng năm, các cơ quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh về ghi nhãn hàng hoá, sử dụng mã số mã vạch, công bố tiêu chuẩn chất lượng, sử dụng phương tiện đo định lượng hàng hoá.
Thứ hai, Sở Khoa học và Công nghệ cần tăng cường, phổ biến hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn các quy định pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Thứ ba, UBND các huyện, thành phố cần tăng cường phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn.
Thứ năm, công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng chỉ có thể thực hiện tốt khi có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ phía lãnh đạo doanh nghiệp; sự phối hợp của các ngành, UBND các huyện thành phố liên quan.
Mạc Thị Kim Thoa – phòng HC&QLĐL