Chương trình đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp – động lực của sự phát triển

Người viết: admin - Ngày viết: Thursday, Nov 24, 2022 | 9:44 - Lượt xem: 5534

Đảm bảo đo lường là tập hợp các nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực thực hiện tăng cường, đổi mới kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường, thiết bị thử nghiệm, kiểm tra, phương pháp đo, thử nghiệm, kiểm tra, lượng của hàng đóng gói sẵn nhằm đảm bảo chất lưọng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp; Ngày 17/3/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 510/QĐ-BKHCN về hướng dẫn thực hiện triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp. Việc đảm bảo đo lường được thực hiện dựa trên các yếu tố chính: Con người được đào tạo, phương pháp thực hiện phép đo chuẩn được xây dựng, thiết bị và chuẩn đo lường được kiểm soát.

Đến thời điểm hiện tại, việc tư vấn xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường cho các doanh nghiệp đã được triển khai ở một số tỉnh. Tỉnh Bắc Giang là một những tỉnh đầu tiên của cả nước phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng lựa chọn xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp thuộc danh mục các ngành trọng tâm cần đổi mới hoạt động đo lường theo Quyết định 3807/QĐ-BKHCN ngày 19/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thực hiện Kế hoạch số 34/KH-KHCN ngày 16/02/2022 của Sở Khoa học và Công nghệ về triển khai Kế hoạch số 409/KH-UBND ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện khảo sát 50 doanh nghiệp thuộc các ngành y tế, điện, nước, xăng dầu, hàng đóng gói sẵn trên địa bàn tỉnh và đề nghị doanh nghiệp thực hiện đăng ký tham gia xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường năm 2022. Kết quả đã có 04 doanh nghiệp đăng ký tham gia gồm:

  1. Công ty Điện lực Bắc Giang. Địa chỉ: Số 22 Đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Trần Nguyên Hãn, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
  2. Công ty TNHH Vật tư ngành nước Phú Thịnh. Địa chỉ: Lô C5+C6, KCN Đình Trám, Việt Yên, Bắc Giang.
  3. Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang. Địa chỉ: số 386, đường Xương Giang, phường Ngô Quyền, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
  4. Công ty cổ phần Xây dựng Thành Đô Bắc Giang. Địa chỉ: Cụm CN đường Cầu Cháy, xã Dĩnh Trì, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Trên cơ sở các doanh nghiệp đăng ký, Chi cục đã lựa chọn được 3 doanh nghiệp tham gia chương trình, 01 doanh nghiệp xin không đăng ký tham gia (Công ty Điện lực Bắc Giang do Tổng công ty Điện lực Miền Bắc đã ký văn bản thoả thuận với Tổng  cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để thực hiện nội dung này). Ba doanh nghiệp còn lại đều phối hợp tốt trong quá trình triển khai thực hiện.

Ảnh: Trao đổi, tư vấn triển khai Chương trình đảm bảo đo lường.

Kết quả triển khai

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức các lớp tập huấn các nội dung của Quyết định 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 21/3/2021 về Hướng dẫn xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; Kế hoạch số 409/KH-UBND ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về triển khai Đề án 996 trên địa bàn tỉnh cho các cán bộ của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Công ty TNHH Vật tư ngành nước Phú Thịnh, Công ty CP Nước sạch Bắc Giang tại Sở Khoa học và Công nghệ. Tổ chức tập huấn tại chỗ cho Công ty CP  Xây dựng Thành Đô Bắc Giang một số nội dung về đo lường, chương trình đảm bảo đo lường cho doanh nghiệp.

Ảnh: Khảo sát Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.

Tổ chức các buổi đào tạo, làm việc tại từng doanh nghiệp để triển khai các nội dung cụ thể như: Tổ chức phân tích hoạt động đo lường tại các khâu trong quá trình sản xuất; Xác định các định mức kỹ thuật, định mức hao hụt tương ứng tại các khâu trong quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm; Rà soát các văn bản, tài liệu kỹ thuật về hoạt động đo, thử nghiệm, kiểm tra của Doanh nghiệp; Tổ chức đào tạo, cập nhật  văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam về kiểm định phương tiện đo; Tư vấn hoàn thiện hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn TCVN ISO 17025 cho bộ phận kiểm định.

Từ những kết quả cụ thể tại từng doanh nghiệp, việc triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại 03 doanh nghiệp đã thu được một số kết quả cụ thể, đó là:

Đã có 42 lượt cán bộ được đào tạo, cập nhật văn bản pháp luật về đo lường; tổng số đã có 02 hệ thống quản lý dành cho doanh nghiệp đã được rà soát, cập nhật, đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn về hệ thống quản lý TCVN ISO/IEC 17025: 2017 và 01 doanh nghiệp được rà soát, cập nhật hệ thống quản lý quản lý xăng dầu theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2015 đáp ứng yêu cầu của Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015 quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; tổng số đã có 03 chương trình đảm bảo đo lường đã được ban hành.

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu. việc triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại các doanh nghiệp địa phương còn tồn tại một số hạn chế như sau:

Thứ nhất, đây là nội dung mới, chưa có nhiều tỉnh triển khai thực hiện, một số tỉnh đã triển khai có hoạt động không tương đồng với hoạt động của các doanh nghiệp trong Chương trình của tỉnh Bắc Giang, việc trao đổi kinh nghiệm còn hạn chế.

Thứ hai, Chương trình đảm bảo đo lường theo Quyết định 510/QĐ-KHCN ngày 17/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ còn mới, chưa được tập huấn thường xuyên. Quá trình triển khai đòi hỏi sự linh hoạt, phối hợp tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp để có cách thức tư vấn phù hợp với từng doanh nghiệp.

Thứ ba, chưa có sự phối hợp tốt của các cấp, các  ngành trong việc triển khai Chương trình, dẫn đến chưa có sức lan tỏa trong quá trình thực hiện.

Để việc triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho các doanh nghiệp trong những năm tiếp theo thuận lợi, hiệu quả, cẩn một số giải pháp:

Thứ nhất, Sở Khoa học và Công nghệ quan tâm trình cấp có thẩm quyền tiếp tục bố trí kinh phí triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong các năm tiếp theo.

Thứ hai, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn cho các cơ quan, đơn vị về Đề án 996, Chương trình đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp; đồng thời tăng cường hỗ trợ chuyên gia cho các địa phương triển khai Chương trình đảm bảo đo lường.

Thứ ba, khảo sát, nắm bắt nhu cầu tham gia xây dựng Chương trình đảm bảo đo lường của các doanh nghiệp, tổ chức để đạt mục tiêu cơ quan quản lý làm bạn với doanh nghiệp.

Trong thời gian tới để Chương trình đảm bảo đo lường thực sự là công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp, tổ chức nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế rất cần sự tham gia nhiệt tình của các doanh nghiệp, hợp tác xã; sự vào cuộc của các cấp, các ngành góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.

Mạc Thị Kim Thoa – phòng HC&QLĐL