10 Kết quả Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2021
Người viết: admin - Ngày viết: Saturday, Jan 15, 2022 | 13:42 - Lượt xem: 1583
1. Việc tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ đạt hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa rộng; danh tiếng uy tín, chất lượng sản phẩm hàng hóa được nâng cao rõ rệt.
Năm 2021 là năm có nhiều nhất các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, gồm 1 sáng chế, 2 chỉ dẫn địa lý, 2 nhãn hiệu chứng nhận, 7 nhãn hiệu tập thể và 123 nhãn hiệu thông thường. Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ thành công tại Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và xuất khẩu. Tiếp tục triển khai đăng ký bảo hộ 3 chỉ dẫn địa lý gồm: Vải thiều chín sớm Tấn Yên, vải thiều Lục Ngạn tại Trung Quốc, cam Lục Ngạn và các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể khác.
2. Hội thi tìm kiếm ý tưởng trong nghiên cứu khoa học lần thứ nhất được tổ chức thành công, tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong cán bộ, công chức và nhân dân.
Qua 3 tháng phát động, Hội thi có 203 ý tưởng tham dự, lựa chọn được 4 ý tưởng đạt giải cao để hỗ trợ phát triển thành nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở thực hiện năm 2022. Hội thi đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đối với hoạt động KH&CN.
3. Hoạt động nghiên cứu ứng dụng có nhiều khởi sắc.
Năm 2021, các sở, ngành, địa phương đề xuất, đặt hàng 90 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cao nhất trong những năm gần đây. Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục 16 nhiệm vụ có quy mô lớn, giải quyết những vấn đề cấp thiết của tỉnh để thực hiện với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KH&CN tỉnh dự kiến hơn 30 tỷ đồng.
4. Khai trương Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh Bắc Giang (batex.vn).
Đây là nơi cung cấp thông tin, dịch vụ chuyển giao tư vấn về mua bán công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Sàn giao dịch cũng tập hợp thông tin về các công nghệ, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trưng bày, triển lãm, xúc tiến giao dịch các sản phẩm nghiên cứu, thiết bị kỹ thuật, qua đó góp phần phát triển thị trường KH&CN tỉnh Bắc giang.
5. Đồng hành cùng phát triển doanh nghiệp KH&CN.
Trong năm đã thành lập 05 doanh nghiệp KH&CN (nhiều nhất từ trước đến nay); hỗ trợ 04 doanh nghiệp ươm tạo các sản phẩm từ nghiên cứu KH&CN, trong đó có 01 doanh nghiệp KH&CN tham gia nghiên cứu đề tài cấp tỉnh. Thúc đẩy các doanh nghiệp khác đầu tư nghiên cứu các sản phẩm mới, công nghệ hiện đại, chuyển giao công nghệ tiên tiến, ươm tạo công nghệ để hình thành doanh nghiệp KH&CN trong tương lai.
6. Chú trọng triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Xây dựng thành công 2 mô hình điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm mỳ và cam, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền cũng như chuẩn hóa về nội dung và hình thức của tem truy xuất nguồn gốc, từ đó làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Triển khai đề tài KH&CN cấp tỉnh về truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm chủ lục của tỉnh, trong đó có sản phẩm vải thiểu Lục Ngạn và rượu Làng Vân.
7. Xây dựng thành công Bộ tiêu chí xếp hạng kết quả xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001 trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh
Việc đánh giá, chấm điểm kết quả áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN hàng năm được công khai, công bằng, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc trong các cơ quan, thúc đẩy công tác cải cách hành chính.
8. Tạo bước đột phá, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý đo lường cấp huyện thông qua việc triển khai mô hình kiểm định lưu động tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Kiểm định 1.549 phương tiện đo tại 13 chợ trên địa bàn các địa phương, kết hợp tuyên truyền tại chỗ. Đưa nội dung triển khai kiểm định lưu động tại 110 chợ trên địa bàn tỉnh vào Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, kiểm tra đo lường đối với phương tiện đo và hàng đóng gói sẵn tại từng địa phương.
9. Hoạt động sáng kiến đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, động viên, khuyến khích cán bộ và nhân dân phát huy nội lực, nâng cao năng suất lao động, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải tiến chất lượng công việc chuyên môn.
Tham mưu Hội đồng sáng kiến tỉnh họp xét và công nhận 54 sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh đợt 1/2021; chấp thuận 14 sáng kiến cơ sở cho các cơ quan, đơn vị. Tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn hoạt động sáng kiến toàn ngành giáo dục của tỉnh với 101 điểm cầu, gần 1000 người tham dự.
10. Hoạt động Hội đồng Khoa học và Công nghệ cơ sở có những chuyển biến rõ nét.
Có 10 huyện, thành phố, 35 sở, ban, ngành cấp tỉnh thành lập Hội đồng KH&CN ở ngành, địa phương, đơn vị. Tổ chức 29 lớp tập huấn ứng dụng KH&CN vào sản xuất trên địa bàn tỉnh với khoảng 2000 lượt người tham dự, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý về KH&CN cho cán bộ phòng chuyên môn giúp UBND huyện, TP quản lý nhà nước về KH&CN và cán bộ một số đơn vị trên địa bàn tỉnh. Có 25 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở đã được phê duyệt đưa vào triển khai thực hiện năm 2022, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu – ứng dụng tại cơ sở.
Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang